Sự phát triển của thị trường địa ốc mang đến cơ hội cho hàng chục, thậm chí cả trăm ngành nghề khác, ngay cả những lĩnh vực có vẻ không liên quan như hội họa, điêu khắc… cũng có thể bị ảnh hưởng khi bất động sản “hắt hơi, sổ mũi”. Thị trường địa ốc khó khăn kéo dài, đẩy nhiều doanh nghiệp nhà thầu vào thế “nước sôi, lửa bỏng”…
Với xây dựng – lĩnh vực có mối liên hệ mật thiết nhất với thị trường bất động sản, mức độ ảnh hưởng càng nghiêm trọng hơn. Nếu như đầu năm nay, “cơn bão giá” vật liệu xây dựng đã bào mòn lợi nhuận, đẩy nhiều doanh nghiệp, nhà thầu thi công vào tình thế khó khăn thì việc thị trường bất động sản trầm lắng trong thời gian dài càng khiến doanh nghiệp ngành này suy kiệt.
Một công ty đầu ngành xây dựng ở phía Nam cũng thông báo điều chỉnh kỳ lương tháng 11 và tháng 12/2022. Theo đó, các cấp có mức lương trên 100 triệu đồng/tháng sẽ điều chỉnh giảm từ 35-41%; từ 50-100 triệu đồng/tháng giảm từ 30% đến dưới 35%; từ 30-35 triệu đồng/tháng giảm từ 22% đến dưới 30%; từ 15- 30 triệu đồng/tháng giảm từ 3-20%. Riêng các cấp có mức lương dưới 15 triệu đồng/tháng sẽ không bị điều chỉnh.
Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, việc giảm lương chỉ tạm giữ và sẽ truy hoàn lại cho nhân viên khi tình hình kinh doanh công ty ổn định trở lại. Ngoài ra, từ ngày 19/11/2022, tất cả nhân viên tại khối văn phòng sẽ nghỉ làm việc vào mỗi ngày thứ Bảy để giảm chi phí vận hành. Đối với các trường hợp làm việc tại công trình sẽ được nhận lương bình thường.
Nếu như trước đây, dọc đường Lý Thường Kiệt (quận 10, TP.HCM), hàng trăm cửa hàng bán vật liệu xây dựng lúc nào cũng tấp nập người ra vào, thì giờ đây là khung cảnh ảm đạm bao trùm. Nhiều chủ cửa hàng cho biết, việc kinh doanh thời điểm này không mấy khả quan do nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng vật liệu như sắt, thép, gạch men, thiết bị vệ sinh, nhà bếp… giảm mạnh.
Một doanh nghiệp chuyên xây dựng ở TP.HCM, đã phải ra thông báo điều chỉnh giảm lương cán bộ, nhân viên tại hội sở chính cũng như các đơn vị thành viên. Cụ thể, đối với khối công trình, giữ nguyên lương cho những nhân viên có mức lương dưới 10 triệu đồng/tháng. Nhân viên có mức lương từ 10-20 triệu đồng sẽ điều chỉnh giảm 40% đối với phần lương trên 10 triệu đồng. Nhân viên có mức lương trên 20 triệu đồng, mức giảm là 50% đối với phần lương trên 10 triệu đồng. Chính sách này áp dụng đối với toàn bộ nhân sự tại các dự án, trừ các công trình tại Đà Lạt, Quảng Ninh sẽ kết thúc trong tháng 11/2022.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho biết hiện nay thị trường bất động sản đang rất khó khăn và đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái, một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản cũng đang rất khó khăn, đặc biệt là rủi ro bị sụt giảm sâu thanh khoản, thậm chí có thể bị mất thanh khoản, thể hiện qua việc một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải thực hiện các biện pháp “đau đớn” để tồn tại như thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh(dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO). Điều này sẽ tác động đến sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế, trực tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.
Không những thế, một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động. Thậm chí có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động tác động đến vấn đề an sinh xã hội hoặc phải giảm lương tác động đến cuộc sống người lao động.
Tổng Hợp