Dự báo đến nửa cuối năm 2023 thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới phục hồi rõ nét. Dự báo rủi ro tái cấp vốn sẽ vẫn tăng lên ít nhất cho đến cuối năm nay. Điều kiện tài chính thắt chặt hơn và tâm lý e ngại rủi ro tăng cao sẽ tạo ra thách thức cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn trên thị trường trái phiếu sơ cấp.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, trái phiếu doanh nghiệp phát hành mới giảm mạnh, một phần do thị trường cầm chừng trước khi Nghị định số 65 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ ban hành và tâm lý e ngại rủi ro xuất phát từ các vụ việc hình sự và pháp lý liên quan đến các doanh nghiệp phát hành và các công ty cung cấp dịch vụ.
Điểm quan ngại chính hiện nay đối với các doanh nghiệp cần nguồn vốn mới hoặc tái cấu trúc nợ là tình hình thanh khoản trên thị trường trái phiếu sơ cấp.
VIS Rating đánh giá Nghị định số 65 là bước tiến lớn và quan trọng nhằm tăng cường kỷ luật thị trường, nâng cao chất lượng phát hành trái phiếu và khôi phục niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đang phát triển nhanh chóng. Quy định mới buộc doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian phải công bố đầy đủ và kịp thời thông tin đợt chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đồng thời quy định trách nhiệm và nghĩa vụ pháp lý đối với tổ chức phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian.
Doanh nghiệp có chính sách tài chính yếu, phụ thuộc vào nguồn tài chính ngắn hạn hoặc khó dự báo dòng tiền sẽ phải đối mặt với rủi ro tái cấp vốn và thách thức thanh khoản tiềm ẩn. Phần lớn trái phiếu sắp đáo hạn không có tài sản đảm bảo. Mặc dù các doanh nghiệp phát hành có mức độ rủi ro cao, nhưng tỷ trọng lớn trái phiếu liên quan đến bất động sản đã phân phối đến các nhà đầu tư cá nhân trong khi các nhà đầu tư này có thể chưa hiểu đầy đủ về tình hình tài chính hoặc không đánh giá được khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành.
Theo số liệu của HNX, nhà đầu tư cá nhân là một trong số các nhóm nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường trái phiếu, nắm giữ 31% tổng lượng trái phiếu phân phối trên thị trường thứ cấp trong 9 tháng đầu năm 2022, đứng thứ hai chỉ sau các tổ chức tín dụng (44%).
Trong báo cáo Góc nhìn Thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới công bố, VIS Rating dự báo rủi ro tái cấp vốn sẽ vẫn tăng lên ít nhất cho đến cuối năm nay. Điều kiện tài chính thắt chặt hơn và tâm lý e ngại rủi ro tăng cao sẽ tạo ra thách thức cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn trên thị trường trái phiếu sơ cấp.
Theo VIS Rating, gần đây, một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu đã thông báo cho các trái chủ về dự kiến hoãn trả lãi hoặc nợ gốc cho trái phiếu sắp đáo hạn. Hiện tượng này sẽ lặp lại và cần theo dõi khi ngày càng nhiều trái phiếu đến hạn trả nợ gốc trong vài quý tới. Trong số các doanh nghiệp có trái phiếu đáo hạn vào tháng 11 và tháng 12 năm nay, khoảng ¼ là tổ chức tài chính, bao gồm ngân hàng, công ty tài chính và công ty chứng khoán, còn lại chủ yếu là doanh nghiệp bất động sản. Do đó, các chuyên gia dự báo doanh nghiệp phát hành sẽ gặp khó khăn hơn trong việc cơ cấu lại nợ do thanh khoản thị trường eo hẹp và thời điểm đáo hạn trái phiếu chủ yếu rơi vào tháng 12 năm nay.
So với trái phiếu doanh nghiệp phát hành bởi các tổ chức tài chính, trái phiếu doanh nghiệp phát hành bởi các doanh nghiệp phi tài chính thường có đòn bẩy tài chính cao hơn và có nhu cầu cơ cấu lại nợ đến hạn nhiều hơn. Trừ khi có sự chấp thuận của trái chủ về việc cơ cấu lại trái phiếu đáo hạn, các doanh nghiệp phát hành sử dụng đòn bẩy tài chính cao có thể cần hỗ trợ của công ty liên quan hoặc bên cho vay khác để thanh toán trái phiếu đáo hạn.
Đối với các doanh nghiệp phi tài chính có trái phiếu dư nợ đáo hạn tháng 11 và tháng 12 năm nay, số lượng các doanh nghiệp có mức độ đòn bẩy tài chính cao chiếm tỷ trọng đáng kể. Trong đó, nhóm doanh nghiệp đòn bẩy tài chính cao là nhóm có tỷ lệ Nợ/Vốn chủ sở hữu bằng hoặc cao hơn 4 lần và/hoặc tỷ lệ Nợ/EBITDA bằng hoặc cao hơn 7 lần.
Tổng Hợp