Thị trường trong giai đoạn thanh lọc mạnh mẽ như hiện nay khiến người làm nghề môi giới gặp nhiều khó khăn. Thực tế khốc liệt này không ngoại trừ cả những môi giới lâu năm, lành nghề, dạn dày kinh nghiệm.
Theo số liệu của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 300.000 môi giới BĐS đang hoạt động. Tuy nhiên, số lượng môi giới được cấp chứng chỉ hành nghề chỉ 35.000 người. Đại bộ phận các nhân viên môi giới hiện chỉ được đào tạo ngắn hạn về chính sách bán hàng của dự án BĐS, thiếu chuyên nghiệp. Do đó, ông Đính cho rằng, không khó hiểu khi thị trường trầm lắng, khó khăn, nhân sự của ngành có biến động lớn là nghỉ việc, bỏ nghề.
Ngoài ra thực tế dễ thấy, nhiều sàn môi giới BĐS và nhân viên “bắt tay” với chủ đầu tư tạo khan hiếm giả, nâng giá bán hàng. Thậm chí, môi giới còn quảng cáo không đúng sự thật, khiến nhiều người ngã ngửa khi nhận nhà thấy chất lượng yếu, dự án không đúng như quảng cáo. Sự việc kéo theo nhiều hệ lụy khi người dân phải thường xuyên căng băng rôn đòi quyền lợi vì tin những lời quảng cáo của môi giới từ những cú “bắt tay” giữa môi giới với chủ đầu tư.
Để có thể thích nghi với bối cảnh hiện tại, các môi giới phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trước tiên là việc thay đổi thị trường. Giả sử, nếu môi giới đang bán hàng tại Long Thành (Đồng Nai), Long An hay Lâm Đồng, nếu thị trường vẫn có thanh khoản thì có thể “an vị”, còn nếu “đóng băng”, không có giao dịch thì phải dịch chuyển đến khu vực có dự án trọng điểm, những dự án lớn, hay các khu vực kinh tế – xã hội đang phát triển mạnh mẽ vì những thị trường kiểu này thường có nhu cầu cao về bất động sản, đặc biệt là bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực.
Nếu chỉ quen bán căn hộ hay nhà phố, cũng cần dũng cảm bước sang phân khúc mới như đất nền ven đô có thổ cư, có diện tích lớn, có thể phân lô, hoặc nhà xưởng công nghiệp…
Với đặc thù giai đoạn hiện tại, thị trường đang xuất hiện nhiều “hàng ngộp” – là bất động sản mà chủ đầu tư phải bán cắt lỗ do kẹt tiền, nên đây cũng là phân khúc tiềm năng mà các môi giới có thể hướng tới để tìm kiếm khách hàng. Tuy nhiên, hiện cũng là giai đoạn nhiều bên “giả chết”, do đó, môi giới cần tìm hiểu kỹ thông tin để tránh gặp và tư vấn phải hàng “giả ngộp”.
Giai đoạn hiện tại được xem là bước “thử lửa” khắc nghiệt nhất, không ít người sau nhiều tháng không bán được hàng đã phải lặng lẽ rời cuộc chơi. Chỉ những môi giới may mắn hoạt động trong các đơn vị có nhiều bảng hàng, hoặc môi giới có sự thích ứng và chuyển mình mạnh mẽ (với môi giới đơn lẻ) mới có thể trụ lại cùng thị trường.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho biết thị trường trầm lắng là giai đoạn thanh lọc nhân sự nghề môi giới BĐS. Thời kỳ thị trường sôi động, “sốt”, ai cũng thấy sự bùng nổ nhân sự của nghề này. Mức hoa hồng khủng của mỗi giao dịch thành công khiến nghề môi giới BĐS có sức hút riêng.
Theo nhiều ý kiến, việc thị trường địa ốc lắng xuống vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để thanh lọc đội ngũ môi giới. Khó khăn sẽ loại bỏ những người “ăn theo” và để lại những người có năng lực thực sự.
Ghi nhận cho thấy, mấy tháng qua, môi giới BĐS gần như không bán được hàng. Nhất là ở phân khúc đất nền ven Tp.HCM, hoạt động đầu tư và mua ở thực đều chậm. Nhiều môi giới nắm hàng “ngộp” cũng không dễ bán ra vì dòng tiền người mua có dấu hiệu co cụm, hoặc chờ đợi thêm. Thực trạng, nhiều môi giới BĐS rời thị trường kiếm sống bằng nghề khác đã diễn ra trên thị trường BĐS. Một số khác thì “tạm nghỉ”, chuyển hướng chờ thị trường phục hồi.
Một nam môi giới cho biết, thường cận Tết là thời điểm môi giới BĐS “ăn nên làm ra” nhờ hoạt động mua bán ở thực hoặc đầu tư. Thế nhưng, năm nay tình hình đảo lộn khi thị trường tắt giao dịch.
Tổng Hợp