Hiện, tình hình thanh khoản hệ thống ngân hàng thương mại đã bớt căng thẳng so với giai đoạn trước, thể hiện qua việc tỷ giá hạ nhiệt, lãi suất liên ngân hàng đi ngang và Ngân hàng nhà nước giảm bơm tiền.
Báo cáo thị trường chứng khoán tháng 11 của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết NHNN đã dừng bán USD do áp lực tỷ giá giảm. Với việc tỷ giá USD/VND đi ngang, lãi suất liên ngân hàng xuống dưới 5%/năm, NHNN có điều kiện để phát hành tín phiếu hút tiền về thay vì phải liên tục bơm tiền hỗ trợ các ngân hàng.
Trong thời gian tới, nhóm phân tích cho rằng xuất siêu ở mức cao, lũy kế 10 tháng đạt 9,4 tỷ USD, sẽ là yếu tố hỗ trợ thêm cho tỷ giá khi dự trữ ngoại hối đã giảm khoảng 21 tỷ USD trong thời gian qua. Áp lực tăng tỷ giá thời gian qua khá lớn và có dấu hiệu hạ nhiệt khi đồng USD trên thế giới giảm dần.
Mới đây, NHNN cũng đã điều chỉnh giảm giá bán USD với các ngân hàng xuống mức 24.860 đồng/USD, thấp hơn 10 đồng so với trước đó. Đáng chú ý, đây là lần giảm đầu tiên sau 6 lần điều chỉnh tăng liên tiếp của tỷ giá USD/VND từ đầu năm do NHNN niêm yết.
Về tình hình lạm phát năm nay, Chính phủ ước tính mục tiêu kiểm soát dưới 4% là khả thi. Các tổ chức trong và ngoài nước cũng nhận định tương tự. Tuy nhiên áp lực lạm phát trong năm 2023 là rất lớn. Ngoài ra có một biến số cần theo dõi là lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và dịch vụ y tế và giáo dục).
Trong báo cáo mới đây, các chuyên gia của CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) đề cập đến lạm phát cơ bản tháng 10 tăng 4,47% so với cùng kỳ.
Trong khi đó CPI tăng 4,3% so với cùng kỳ trong tháng 10, là mức tăng cao nhất kể từ tháng 3/2020 cho tới nay, đồng thời là mức tăng theo tháng cao nhất kể từ năm 2013. Trung bình CPI tăng 2,89% trong 10 tháng đầu năm 2022.
Khối phân tích cho rằng tốc độ tăng của CPI cốt lõi vượt lên CPI cho thấy yếu tố đáng quan ngại về áp lực tăng giá của nhóm hàng hóa dịch vụ. Xu hướng này nếu duy trì trong thời gian tới sẽ tạo áp lực mạnh cho NHNN tăng tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ.
Đồng quan điểm, các chuyên gia của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định giá của nhiều loại hàng hóa đang có diễn biến tăng mạnh trở lại, áp lực sẽ có lớn hơn trong thời gian tới, đặc biệt là năm 2023 khi các dư địa về tài khóa để kiểm soát giá không còn nhiều như thời gian đầu năm 2022.
“Trong 2 tháng còn lại của năm 2022, chỉ số CPI của Việt Nam nhiều khả năng sẽ vẫn cao hơn 4%. Với mức tăng CPI trung bình 2,89% so với cùng kỳ trong 10 tháng đầu năm, BVSC dự báo lạm phát cả năm 2022 sẽ chỉ ở khoảng 3,1%-3,5%. Rủi ro về lạm phát sẽ vẫn cần phải theo dõi chặt chẽ trong năm 2023”, BVSC khuyến nghị.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn – Chính sách Tiền tệ Quốc gia đánh giá NHNN hiện nay đã lựa chọn chính xác công cụ cần kiểm soát bằng mọi giá, đó là kiểm soát chặt tín dụng.
“Giai đoạn 2008 – 2011, tăng trưởng tín dụng không được kiểm soát, có thời điểm lên tới 30%. Nếu đã bỏ lỡ cơ hội kiểm soát tín dụng sẽ rất khó để kiểm soát tỷ giá hối đoái”, ông nói.
Ông cho rằng trong tất cả các giải pháp, “khóa vòi tín dụng” là giải pháp quan trọng nhất để ghìm tỷ giá, lãi suất, từ đó ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu tăng cung tiền, lãi suất sẽ giảm, nhưng tỷ giá sẽ tăng mạnh hơn.
Từ quý II/2022, mặt bằng lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại cũng đã bắt đầu có xu hướng tăng ở tất cả các kỳ hạn ngắn và dài khi các ngân hàng chịu nhiều áp lực từ thanh khoản, mặc dù lãi suất điều hành phải tới tháng 9 mới bắt đầu tăng.
Tổng Hợp