Thời điểm này làm môi giới BĐS sẽ gặp nhiều thách thức khi chi phí markerting tăng cao, khách hàng luôn trong tâm thế thận trọng vì ngân hàng tăng lãi và siết tín dụng. Nhà đầu tư không còn quyết định mua hàng như trước. Bức tranh “xám màu” bao trùm thị trường bất động sản TP.HCM…
Báo cáo thị trường tháng 10 của DKRA Group cho thấy, thị trường ảm đạm ở tất cả các phân khúc. Đối với phân đất nền, nguồn cung mới chỉ bằng 21,4% cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu tại Long An, TP.HCM và Đồng Nai. Long An chiếm 66.9% tổng cung toàn thị trường. Số dự án mở bán trong tháng đa phần đều thuộc giai đoạn mở bán kế tiếp.
Sức cầu thị trường giảm mạnh, tỷ lệ tiêu thụ toàn thị trường chỉ đạt khoảng 27%, giảm đến 84,1% so với cùng kỳ năm 2021. Các dự án mở bán trong tháng có mặt bằng giá sơ cấp tăng khoảng 0,25-8% so với lần mở bán trước đó.
Ở thị trường thứ cấp, các dự án có mức giá đi ngang hoặc tăng nhẹ chỉ 2% so với tháng 9. Thị trường đã phát sinh giao dịch cắt lỗ khi khách hàng gặp phải những khó khăn về dòng tiền và áp lực lãi suất ngày càng tăng cao.
Đối với phân khúc căn hộ, nguồn cung mới trong tháng ghi nhận tăng đáng kể, gấp 3,7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Bình Dương vươn lên dẫn đầu, chiếm 57% tổng nguồn cung mới mở bán trong tháng, các dự án tập trung tại TP. Thuận An, Dĩ An và huyện Bến Cát. Tại TP.HCM, nguồn cũng vẫn tập trung chủ yếu ở TP. Thủ Đức. Phân khúc căn hộ hạng A và hạng sang chiếm đến 84% tổng nguồn cung mới trong tháng.
Đáng chú ý, thanh khoản thị trường sơ cấp tiếp tục ở mức thấp với tỷ lệ hấp thụ ở các dự án chỉ dao động từ 20-60% lượng sản phẩm mở bán. Giá bán sơ cấp ghi nhận tăng 4-10% so với đầu năm. Khoảng thời gian này nhiều chính sách ưu ãi thanh toán nhanh được các chủ đầu tư áp dụng với mức chiết khấu lên đến 40-50% giá trị bất động sản nhằm kích cầu thị trường.
Tuy nhiên, thanh khoản thứ cấp tiếp tục sụt giảm với giá bán ghi nhận giảm cục bộ ở những nhà đầu tư cần bán gấp phục vụ nhu cầu tài chính cá nhân cũng như giảm áp lực lãi vay giữa bối cảnh lãi suất tăng cao.
Phân khúc nhà phố, biệt thực cũng khá hơn là bao. Nguồn cung tại TP.HCM và các tỉnh vùng ven giảm mạnh, giảm 72% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, nguồn cung tập trung chủ yếu tại Đồng Nai khi chiếm 49.7% tổng nguồn cung toàn thị trường. Khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu và Tây Ninh tiếp tục chuỗi ngày khan hiếm nguồn cung mới.
DKRA cho biết, sức cầu thị trường rất khiêm tốn, chỉ bằng 11% so với cùng kỳ năm trước và đạt 13% tổng nguồn cung toàn thị trường. Mặt bằng giá sơ cấp không có nhiều biến động so với tháng 9, ngoại lệ có một số trường hợp chủ đầu tư áp dụng chính sách chiết khấu lên đến 50% cho khách hàng thanh toán nhanh nhằm kích cầu thị trường.
Mặt bằng giá thứ cấp tiếp tục xu hướng đi ngang so với tháng trước, trên thị trường cũng xuất hiện những giao dịch cắt lỗ từ 200-500 triệu đồng/căn ở những khách hàng gặp khó khăn về dòng tiền. Thanh khoản thị trường rất trầm lắng.
P.D (quận Tân Phú), nhân viên môi giới ở TP.HCM cho biết, bình thường, mỗi dịp cuối năm là khoảng thời gian hối hả để các nhân viên môi giới tất bật chạy dự án để “kiếm cơm” và hoàn thành những dự định dang dở trong năm, hướng về một cái Tết trọn vẹn. Thế nhưng, năm nay, thị trường đang có sự thay đổi lớn khiến P.D cùng nhiều anh, chị, em trong nghề đang đứng ở giữa lưng chừng, không định hướng, mục tiêu…
“Tôi đang làm ở sàn giao dịch khá lớn ở TP.HCM, nhưng, tính đến thời điểm này là hơn 3 tháng chưa có khách hàng, nhiều anh em khác còn đến nửa năm không có một khách hàng nào. Thời gian trước quản lý cho đứng ra cho có doanh thu, vì làm nghề này phải có giao dịch”, P.D nói và cho biết, bản thân đang loay hoay giữa việc nên tiếp tục hay nghỉ.
Còn anh H.G, môi giới lâu năm cho rằng, hiện thị trường đang ảm đạm, kéo theo mọi giao dịch gần như “đóng băng”. Đây cũng là khoảng thời gian khó khăn nhất của thị trường, có thể nói còn khó khăn hơn cả giai đoạn đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, trong khó khăn không phải không có cơ hội.
Tổng Hợp