Tin đồn liên tục xuất hiện, các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng liên quan buộc phải phát đi thông cáo đính chính thông tin trong nhiều ngày liên tiếp. Đây là thực trạng của thị trường tài chính, chứng khoán kể từ tháng 9 đến nay. Khi vướng phải tin đồn, có doanh nghiệp chọn cách trực diện ứng phó…
Đối với nhiều cơ quan quản lý nhà nước, tuy cũng có cơ chế về người phát ngôn chính thức nhưng nhiều trường hợp phát ngôn chưa kịp thời, khi đó tin đồn đã đi rất xa. Tin đồn chỉ qua một thời gian ngắn có thể gây thiệt hại rất lớn.
Theo góc nhìn của ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh nghiệp phải kết hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để đấu tranh với các tin đồn, tin giả; phải có bộ phận truyền thông về hoạt động của công ty và đính chính tin đồn ngày càng chuyên nghiệp hơn.
Theo chia sẻ của ông Lê Quang Tự do, thực tế cho thấy doanh nghiệp không chủ động, chỉ khi nào có khủng hoảng truyền thông thì mới bắt đầu đi xử lý nên lúc nào cũng chậm. Do đó, phải có kế hoạch bài bản về truyền thông và luôn luôn phải đi trước một bước là dự báo, dự đoán về vấn đề sẽ liên quan.
Ông Lê Quang Tự Do ví dụ: “Khi xuất hiện tin đồn liên quan đến loạt các công ty chứng khoán, bất động sản, trái phiếu thì chỉ tin nào liên quan đến công ty nào thì công ty đó mới làm. Còn các công ty khác, ngay cả khi cơ quan quản lý nhà nước đã dự báo, yêu cầu phải chuẩn bị thông tin kịp thời để trấn an dư luận cũng không có công ty nào làm và rồi đến lần lượt từng công ty đều dính hết.
Sáng nay có một doanh nghiệp vướng tin đồn có trái phiếu rất lớn, lãnh đạo bỏ trốn rồi, lúc đó doanh nghiệp mới tá hỏa cung cấp thông tin ra. Trong khi những tin này mình có thể làm ngay từ đầu để ngăn chặn”.
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nói thêm, khi khủng hoảng truyền thông phải có những cách ứng xử quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, nếu chủ động sẽ giảm thiểu được tin đồn rất nhiều.
Hiện nay, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã truyền thông điệp đó đến Diễn đàn quốc Hội, đang tham mưu cho Thủ tướng ban hành Chỉ thị là tất cả các Bộ, ngành, địa phương phải cùng tham gia quản lý thông tin trên không gian mạng với phương châm mình đang quản lý lĩnh vực nào ở ngoài đời thực thì quản lý lĩnh vực đó trên không gian mạng.
Ông Nguyễn Vũ Long, Quyền Tổng giám đốc, Thành viên Hội đồng quản trị CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã: VND), chia sẻ: “Khi thị trường chứng khoán rất xấu, VNDirect cũng chịu rất nhiều thông tin sai lệch, bao gồm thông tin về hoạt động kinh doanh, về hoạt động tư vấn cho khách hàng, thông tin Chủ tịch và Tổng giám đốc VNDirect bị bắt,…
Chúng tôi học cách thích nghi với điều kiện mới, khi mà các tin giả, tin đồn bây giờ đang ảnh hưởng rất nhiều đến các doanh nghiệp, đặc biệt đối với một doanh nghiệp niêm yết, lại kinh doanh trong lĩnh vực tài chính như VNDirect.
Chúng tôi nghĩ đây là câu chuyện không phải của một doanh nghiệp có thể tự đối mặt mà nó là câu chuyện của toàn bộ hệ thống”.
Theo Quyền Tổng giám đốc VNDirect, rất khó để nói về hệ lụy đầy đủ từ tin giả. Ông cũng thẳng thắn chia sẻ rằng VNDirect không phải là công ty mạnh về xử lý các vấn đề truyền thông.
Ở góc độ doanh nghiệp, những thông tin sai lệch trước hết ảnh hưởng đến niềm tin của khách hàng, tiếp theo ảnh hưởng đến uy tín với các đối tác, ví dụ như ngân hàng có thể dừng hạn mức của công ty chứng khoán hoặc khách hàng chuyển hết tài khoản sang công ty chứng khoán khác,…
Trước những rủi ro đó, Quyền Tổng giám đốc VNDirect cho biết doanh nghiệp chọn cách đối mặt trực tiếp thông qua hình email, trao đổi trực tiếp và quan trọng nhất là truyền thông đến nhân viên, đến các đối tác – những người rất hiểu, gắn bó cùng với doanh nghiệp và có khả năng giúp doanh nghiệp đính chính lại thông tin.
Đối với những thông tin sai lệch có thể làm ảnh hưởng đến uy tín và ảnh hưởng trực tiếp đến giá cổ phiếu của doanh nghiệp, tác động tới cảm xúc của nhà đầu tư, VNDirect đã liên hệ trực tiếp với họ ngay để trao đổi, tư vấn, giải tích thấu đáo.
“Đây là điều mà tất nhiên là trong điều kiện bình thường có thể không cần thiết phải hành động đến như thế, nhưng trong bối cảnh như vừa qua thì chúng tôi thấy rằng đó là biện pháp thực sự cần thiết, hiệu quả và nó sẽ giúp cho nhà đầu tư bình ổn lại tâm lý, bình tĩnh trở lại.
Trong bối cảnh tốc độ lan truyền thông tin trên các mạng xã hội rất nhanh như hiện nay, để giải bài toán này một cách triệt để cần sự phối hợp chặt chẽ, giải pháp đồng bộ, tổng thể nhằm điều chỉnh hành vi, thay đổi nhận thức của mỗi người, bao gồm từ người đưa tin đến người chịu ảnh hưởng của thông tin, người đọc, người tiếp nhận thông tin, qua đó giúp chúng ta càng ngày càng giảm thiểu vấn đề này”, Quyền Tổng giám đốc VNDirect nói.
Nói thêm về cách ứng phó với tin đồn, tin giả, ông Nguyễn Vũ Long cho rằng vấn đề nói chung của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa thực sự có sự chuẩn bị mà đang ở thế đi chữa bệnh hơn là phòng bệnh.
“Đây là điểm mà tôi nghĩ doanh nghiệp sẽ phải thích nghi trong điều kiện mới. Tuy nhiên, ở mức độ như nào và tùy vào từng đối tượng để doanh nghiệp chọn chiến lược truyền thông phù hợp, đưa ra bài toán cần chuẩn bị lại trong thời gian tới.
Cuối cùng vấn đề gốc rễ của tin giả không nằm ở xử phạt hành chính mà nằm ở ý thức của người đưa tin và cả hiểu biết của độc giả – người tiếp nhận thông tin. Tổng thể cần sự truyền thông của các thành phần, bao gồm doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và báo chí”, ông Long nói.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, có thể xóa tin đồn, tin giả bằng cách chúng ta phải có sẵn tin thật mới gỡ được tin đồn. Điều rất đáng tiếc ở Việt Nam là một số cơ quan, kể cả doanh nghiệp chưa thực sự có chiến lược truyền thông tốt, chưa thực sự cởi mở với báo chí, với truyền thông, chưa thực sự chủ động cung cấp thông tin về doanh nghiệp.