“Trong cái rủi có cái may”, khi những yếu tố tiêu cực dồn dập đến với bất động sản và nền kinh tế, tác động đến xã hội thì Chính phủ sẽ có biện pháp để nâng đỡ thị trường. Nhưng biện pháp mạnh hay nhẹ thì phải đợi đến qua Tết Âm lịch. Lúc này, sẽ có một tín hiệu nào đó đối với bất động sản.
Năm nay Tết Âm lịch đến sớm, các doanh nghiệp phải thanh toán nợ vay, các khoản công nợ, trả lương nhân viên,… Nhưng tiền ở đâu ra? Điều này không chỉ gây áp lực cho dân bất động sản mà cho toàn bộ nền kinh tế. Lúc này có thể xảy ra tình trạng các chủ doanh nghiệp phải bán bớt bất động sản nhằm thanh toán các khoản chi phí.
TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế cũng đưa ra nhận định, tình trạng giảm giá đã xuất hiện trên thị trường địa ốc.
Theo đánh giá của vị này, đối với những bất động sản ở vị trí tốt như căn hộ và nhà phố cho thuê ở khu vực trung tâm TP HCM thời gian vừa qua tăng giá không nhiều thì mức giá hiện giảm tối đa khoảng 10%, nhưng với điều kiện người mua và người bán phải gặp trực tiếp để đàm phán. Đồng nghĩa với việc những người muốn mua bất động sản dạng này phải gặp được những người thực sự muốn bán.
Còn với những bất động sản ở xa trung tâm thì mức độ giảm giá có thể mạnh hơn, tùy vị trí và quy mô. Bởi những khu vực này hạ tầng chưa phát triển mà mức giá đã tăng gấp 2 -3 lần trong vòng 2-3 năm nay thì hiện nay không dễ bán, hay nói cách khác là “đóng băng giao dịch”. Do đó, sẽ có những nhà đầu tư bị “ngộp”, tức là họ bị thiếu nợ nên muốn bán, nếu người mua biết và gặp trực tiếp để thương lượng có thể giảm giá tới 20 – 30%.
“Bây giờ ai muốn bán được nhà, đất thì phải giảm giá so với mức giá đầu năm đã mua. Sắp tới, khi nhiều người gặp áp lực trả nợ ngân hàng, dự báo giá sẽ còn giảm mạnh hơn, thậm chí giảm đến mức hấp dẫn người mua. Tức là nhiều người chưa có ý định mua nhưng vì giá giảm nhiều nên quyết định mua. Đây là tình trạng sẽ xảy ra trong giai đoạn tới”, ông Hiển dự báo.
Chuyên gia cũng đưa ra dự đoán, trong giai đoạn hiện tại và sắp tới, dòng tiền sẽ tiếp tục được quản lý để ưu tiên giữ ổn định kinh tế, trong đó nhà điều hành sẽ quản lý cung tiền thận trọng và hợp lý. Như vậy, chuyện bất động sản lúc này là câu chuyện của nhà đầu tư. Ai không quản lý tài chính tốt sẽ phải chấp nhận rủi ro.
“Dòng tiền tiếp tục khó khăn cao trong ba tháng tới do Nhà nước tiếp tục phải xử lý và làm lành mạnh hệ thống ngân hàng. Khó khăn sẽ giảm dần trong quý I/2023 và có thể ổn định lại trong quý II/2023. Và như vậy, các doanh nghiệp bất động sản sẽ có ít nhất 6 tháng nữa để đối đầu với sự khó khăn của dòng tiền. Đây là tình trạng chung nên các doanh nghiệp phải chủ động trong việc quản lý dòng tiền của mình, tức khả năng huy động và khả năng sử dụng dòng tiền phải cân đối với nhau”, ông Hiển nhấn mạnh.
Đã đầu tư bất động sản thì không thể thấy thị trường đi xuống mà rời cuộc chơi. Thực tế, bất động sản tốt liên tục từ năm 2014 tới nay, 8 năm liên tục tăng giá khiến nhiều người hiện đang không nỡ rời bỏ thị trường.
Khó khăn đang bủa vây thị trường bất động sản, thậm chí có nhận định cho rằng, thị trường đang đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái nếu Nhà nước không sớm ban hành các giải pháp điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả.
Quan sát trong thời gian gần đây, dấu hiệu của một đợt điều chỉnh về giá bất động sản đã xuất hiện. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra khi nào mới là “đáy”?
Tổng Hợp