Tâm lý này hình thành khi hội tụ nhiều yếu tố, từ lo ngại về tình trạng trái phiếu doanh nghiệp, đến khó khăn của nhiều doanh nghiệp niêm yết. Ở thời điểm hiện tại, thị trường vẫn chưa tìm được điểm cân bằng khi phần lớn nhà đầu tư vẫn đang hoang mang trong việc nhìn nhận thị trường. Mức giảm của thị trường chứng khoán đã vượt quá ngưỡng chịu đựng của nhiều nhà đầu tư.
Thực tế, xu hướng chủ đạo của chứng khoán thế giới thời gian vừa qua là giảm điểm, nhưng không sốc như ở thị trường Việt Nam. Bối cảnh thị trường trong nước hiện nay là dòng tiền cạn kiệt, chi phí vốn tăng sau động thái nâng lãi suất điều hành lần thứ hai của Ngân hàng Nhà nước và doanh nghiệp gặp khó khăn ở kênh trái phiếu. Từ nay đến cuối năm, nút thắt thanh khoản được nhận định là vấn đề khiến nhà đầu tư quan tâm hơn là diễn biến của VN-Index hay hệ số định giá P/E.
Riêng nhóm cổ phiếu bất động sản, sau một số phiên “nằm sàn” la liệt, thị giá nhiều mã đang ở mức rất hấp dẫn khi dựa trên so sánh tương quan chung của thị trường, cũng như dựa trên giá trị sổ sách của doanh nghiệp. Nhưng trong phiên thị trường chung tăng điểm cuối tuần qua nhờ tâm lý nhà đầu tư được củng cố từ việc thị trường chứng khoán Mỹ bật tăng, nhóm cổ phiếu địa ốc vẫn lao dốc. Vì thế, giá rẻ vẫn chưa chắc đã là đáy nếu nhà đầu tư tiếp tục phản ứng tiêu cực bằng cách xả hàng trong bối cảnh động thái giải chấp từ khối công ty chứng khoán tiếp diễn.
Ông Lâm Gia Khang, phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VietinBank đánh giá, trong giai đoạn hiện nay, dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán rất yếu.
Ngoài rủi ro cạnh tranh với kênh tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng thương mại, thị trường còn đứng trước lực bán gia tăng khi nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản tiến hành bán cổ phiếu để mua lại trái phiếu trước hạn.
Bên cạnh đó, diễn biến giảm điểm của thị trường khiến nhà đầu tư hạn chế sử dụng giao dịch ký quỹ (margin), đồng thời số lượng tài khoản mở mới theo tháng xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021.
“Ở những giai đoạn trước, khi thị trường “co thắt” mạnh thường báo tín hiệu dòng tiền lớn tham gia và trạng thái hồi phục ngắn sẽ diễn ra sau đó. Tuy nhiên, ở đợt điều chỉnh lần này, kịch bản điều chỉnh thêm vẫn cần phải tính đến”, ông Khang nói.
Dù đa số cổ phiếu được đánh giá hấp dẫn, nhưng bên mua vẫn có tâm lý chờ đợi giá giảm thêm, còn với những người đang gồng lỗ (“ôm” cổ phiếu) thì hầu như không có nguồn để mua thêm.
Diễn biến dòng tiền cho thấy, lực cung thường xuyên áp đảo lực cầu từ tất cả các chủ thể tham gia thị trường. Khối ngoại bán ròng hơn 4.600 tỷ đồng trên cả 3 sàn kể từ tháng 9 tới nay, trước tình trạng căng thẳng của tỷ giá và động thái thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Trong khi đó, khối tổ chức trong nước gặp áp lực thanh toán các khoản gốc và lãi trái phiếu khi hạn mức tín dụng hạn chế và kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp có các quy định chặt chẽ hơn.
Với khối nhà đầu tư cá nhân, dòng tiền từ nhóm này về cơ bản không đủ lớn để dẫn dắt thị trường khi VN-Index vẫn đang dò đáy, các nhịp hồi phục rất ngắn, khiến cơ hội đầu tư trở nên khan hiếm.
Tổng Hợp