Mặt bằng lãi suất cho vay cá nhân hiện dao động quanh mức 13%/năm, tăng ít nhất 2%/năm so với đầu năm. Khoản vay càng dài hạn thì lãi suất càng cao. Lãi vay có xu hướng tăng khiến nhiều người có ý định vay mua nhà “chùn tay”…
Dư nợ tín dụng bất động sản tính đến cuối tháng 8/2022 là 777.235 tỷ đồng, giảm 7.340 tỷ đồng so với cuối quý II.
Trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị dự báo, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ còn khó khăn, một trong những nguyên nhân là do chính sách tín dụng thắt chặt.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, tín dụng bất động sản tiềm ẩn rủi ro, bởi thời hạn vay dài, số tiền lớn, trong khi đặc tính huy động của ngân hàng là vốn ngắn hạn, nếu không điều tiết tốt thì ngân hàng sẽ đối diện với rủi ro thanh khoản. Thời gian tới, các công cụ, giải pháp tín dụng cho bất động sản sẽ được cân nhắc trong tổng thể công cụ khác, để đạt mục tiêu của chính sách tiền tệ, ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã tăng trần lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng lên 1%/năm, tăng trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng lên 6%/năm và tăng các mức lãi suất điều hành thêm 1%/năm như lãi suất tái cấp vốn từ 5%/năm lên 6%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm lên 4,5%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng từ 6%/năm lên 7%/năm.
Ngay sau đó, hàng loạt ngân hàng thương mại như OCB, Sacombank, VP Bank, NCB, SeABank, VIB… điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn dưới 1 năm lên 6 – 6,8%/năm, với các kỳ hạn dài hơn, lãi suất từ 8 – 9%/năm. Bốn ngân hàng lớn có vốn nhà nước là Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank cũng tăng lãi suất huy động kỳ hạn 3 – 6 tháng lên gần 5%/năm và kỳ hạn 12 tháng là 7,4%/năm.
Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, nhu cầu về vốn tăng mạnh khiến các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động để thu hút dòng tiền, kéo lãi suất cho vay tăng theo. Vì vậy, khi vay mua nhà trong thời điểm hiện nay, người vay cần tính toán cân đối chi tiêu, xem xét khả năng thanh toán của bản thân, tính trước khả năng nếu không trả được nợ có thể sẽ bị ngân hàng bán giải chấp tài sản. Đặc biệt, ưu tiên nghĩa vụ trả nợ lên hàng đầu và tính chuyện bán bớt các khoản đầu tư kém hiệu quả để tái cấu trúc dòng tiền, tập trung vào các tài sản có tính thanh khoản cao để tránh tình trạng “chôn tiền” một chỗ.
“Đối với người có ý định mua nhà trả góp, phải tính toán lãi suất về lâu dài, không để vượt quá năng lực tài chính của mình. Không nên chi quá 30% thu nhập cho khoản vay, cần ước tính giá trị căn nhà dự định mua dựa trên mức thu nhập cùng tiền mặt có sẵn. Bên cạnh đó, tùy vào hoàn cảnh, điều kiện mỗi gia đình mà chỉ vay trong khả năng trả nợ”, ông Thịnh khuyến nghị.
Nhu cầu vay vốn ngân hàng để mua nhà vẫn lớn, nhưng trong thời điểm lãi suất cho vay có xu hướng tăng, người vay nếu không tính toán kỹ có thể mất khả năng trả nợ và đối mặt với nguy cơ bị bán giải chấp tài sản.
Tổng Hợp