Hôm nay (28/10), lãi suất VND trên liên ngân hàng đồng loạt giảm ở tất cả các kỳ hạn, nổi bật nhất là ở kỳ hạn qua đêm.
Theo đánh giá của SSI Research, nhóm doanh nghiệp sử dụng các khoản vay nước ngoài để tài trợ hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ bị tác động mạnh nhất từ rủi ro tỷ giá. Tính từ đầu năm cho đến nay, VND đã giảm giá 8,6% so với USD.
SSI Research cập nhật danh sách các công ty niêm yết (trong phạm vi phân tích) có số dư các khoản vay bằng USD tương đối cao và đánh giá nhanh về rủi ro tỷ giá tới hoạt động của doanh nghiệp.
Nhìn chung, các công ty đã có sự chủ động trong chuẩn bị cho rủi ro tỷ giá bằng việc tham gia các hợp đồng phái sinh (đặc biệt là các ngân hàng), tuy nhiên một số công ty vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi sự tăng giá mạnh của USD so với VND.
Chẳng hạn, HVN dư nợ bằng USD tính đến cuối quý 2 đã đạt 22 nghìn tỷ đồng, nghĩa là nếu USD tăng giá 1% có thể dẫn đến tăng nợ thêm 220 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty ghi nhận doanh thu bằng USD cho các tuyến quốc tế nên có thể hưởng lợi một phần từ việc USD tăng giá trong dài hạn.
Với VIC, tại thời điểm cuối quý 2/2022, VIC có 77,4 nghìn tỷ đồng dư nợ bằng USD (chiếm 49% tổng nợ của VIC). Mặc dù phần lớn các khoản nợ bằng USD đã được phòng ngừa biến động tỷ giá, nhưng theo SSI Research, lợi nhuận năm 2022 của VIC sẽ bị ảnh hưởng bởi sự tăng giá của đồng USD. Bên cạnh đó, lãi suất cao hơn cũng có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty do nợ ròng của tập đoàn tính đến cuối quý 2/2022 là 115 nghìn tỷ đồng.
Tại PGV, nợ bằng USD đạt 36,9 nghìn tỷ đồng (tương đương 1,57 tỷ USD), chiếm 87% tổng dư nợ. USD tăng giá có thể dẫn đến lỗ chênh lệch tỷ giá, nhưng nhà máy điện có thể yêu cầu EVN thanh toán khoản lỗ tỷ giá này, mặc dù thời gian than toán không chắc chắn.
Với sự tăng giá của USD trong thời gian từ ngày 30 tháng 6 đến ngày 17/10/2022 là 4,5%, khoản lỗ chênh lệch tỷ giá mà công ty phải gánh chịu ước tính ở mức 1,6 nghìn tỷ đồng (trong 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận 336 tỷ đồng lỗ tỷ giá do USD tăng giá 2,2%).
Ở chiều ngược lại, việc đồng JPY mất giá 4% trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 10 năm 2022 đã mang lại mức lãi tỷ giá ước tính là 99 tỷ đồng. Nhìn chung, tác động từ thay đổi tỷ giá ước tính khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng lỗ tỷ giá.
Với PVD, Dư nợ bằng USD quy ra là 3,6 nghìn tỷ đồng với lãi suất bằng lãi suất LIBOR thả nổi + biên độ lãi suất. Như vậy USD tăng giá 1% sẽ dẫn đến lỗ tỷ giá 36 tỷ đồng, trong khi LIBOR tăng 1% cũng đồng nghĩa với việc lãi vay tăng 36 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu của mảng dàn khoan của PVD ghi nhận bằng USD nên có thể giúp phòng ngừa rủi ro một phần nợ bằng USD trong dài hạn.
Lãi suất liên ngân hàng VND qua đêm giảm tới 1,26 điểm phần trăm so với hôm qua, xuống còn 4,5%. Lãi suất kỳ hạn từ 1 tuần đến 1 năm cũng giảm từ 0,09 – 0,32 điểm phần trăm.
Trước đó, trong phiên 27/10, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND cũng đã giảm 0,49 – 1,16 điểm phần trăm tuỳ từng kỳ hạn.
Như vậy, so với đợt biến động đầu tháng 10 vừa qua, các mức lãi suất VND liên ngân hàng đã giảm đáng kể. Trong đó, kỳ hạn qua đêm giảm tới 3 điểm phần trăm.
Diễn biến trên chủ yếu do lượng tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước đáo hạn. Đồng thời, nhà điều hành tiền tệ vẫn duy trì chào thầu kênh cầm cố (OMO) với lượng tiền vừa phải để cân đối nguồn cho hệ thống.
Nhìn chung, qua ba phiên giao dịch 25-27/10, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng khoảng hơn 60.500 tỷ đồng thông qua thị trường mở. Theo đó, tính đến cuối phiên 27/10, số dư trên kênh tín phiếu (hút về) giảm xuống còn 71.288 tỷ đồng; khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố (bơm ra) vẫn còn khoảng 83.630 tỷ đồng.
Thông thường, việc bơm ròng tiền để hỗ trợ thanh khoản sẽ khiến lãi suất VND liên ngân hàng hạ nhiệt. Điều này cũng đồng thời gây áp lực, khiến tỷ giá USD/VND liên ngân hàng tăng. Hiểu đơn giản, Ngân hàng Nhà nước bơm tiền làm lượng VND trong hệ thống tăng lên. Nguồn cung VND tăng mạnh trong khi cầu USD không đổi hoặc tăng không tương ứng sẽ khiến giá USD tăng.
Tổng Hợp