Tình trạng các sàn giao dịch BĐS câu kết để “ôm hàng”, “làm giá”, “tạo sóng” “thổi giá” và gây “sốt ảo” ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường, đẩy giá tăng cao không phải dạng hiếm ở thị trường BĐS phía Nam.
Bộ Xây dựng cho biết, thị trường vẫn còn nhiều điểm tồn tại cần khắc phục; tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn, cơ cấu sản phẩm chưa phù hợp với nhu cầu, thiếu trầm trọng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ.
“Thời gian qua đã xuất hiện tình trạng các sàn giao dịch Bất động sản (BĐS) câu kết với nhau để “ôm hàng”, “làm giá”, “tạo sóng”, “thổi giá” và gây “sốt ảo” ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường. Điều này gây khó khăn cho những người có nhu cầu ở thực”, Bộ Xây dựng nhận định.
Đồng thời, việc sửa đổi các quy định của pháp luật và ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá còn chậm, chưa theo kịp với những bức xúc, vướng mắc trong thực tiễn. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát các hoạt động về đầu tư xây dựng, quản lý quy hoạch, kiến trúc còn hạn chế.
Năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, còn chậm đổi mới. Công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện pháp luật, cơ chế, chính sách về quy hoạch và phát triển đô thị còn thiếu quyết liệt, chưa đồng bộ. Trình độ, năng lực của nhiều cán bộ, công chức, viên chức quản lý đô thị còn chưa theo kịp tình hình thực tế phát triển đô thị.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, 9 tháng, thị trường bất động sản cả nước có khoảng 400 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với tổng quy mô xây dựng hơn 450.000 căn đang triển khai đầu tư. Trong đó, có 245 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân quy mô 300.000 căn hộ đang trong trạng thái chờ thực hiện thủ tục đầu tư và 156 dự án quy mô gần 157.000 căn hộ đang đầu tư xây dựng.
Các địa phương có nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang triển khai xây dựng gồm: Bình Dương có 42 dự án đang chờ hoàn thiện thủ tục với hơn 66.000 căn hộ; 6 dự án đang xây dựng với hơn 26.000 căn hộ. Hà Nội có 38 dự án đang chờ làm thủ tục với gần 33.666 căn hộ; 5 dự án đang xây dựng với hơn 6.600 căn hộ. TP.HCM có 11 dự án đang chờ hoàn thành thủ tục với gần 9.000 căn hộ; 38 dự án đang xây dựng với hơn 45.000 căn hộ.
Tính đến nay, cả nước đã hoàn thành xây dựng khoảng 300 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở công nhân khu công nghiệp, với quy mô gần 156.000 căn hộ, tổng diện tích sàn khoảng gần 8 triệu m2.
Để phát triển thị trường BĐS bền vững, thời gian tới, Bộ Xây dựng đề nghị các đơn vị có liên quan sớm hoàn thành kế hoạch xây dựng pháp luật năm 2022; tập trung xây dựng Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS.
Các đơn vị, địa phương cần tập trung triển khai các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ; thực hiện kiểm tra công tác quản lý nhà ở và thị trường BĐS tại địa phương. Đồng thời, cần theo sát tình hình để kịp thời tham mưu, điều chỉnh phù hợp, hạn chế tác động tiêu cực và đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh…
Trong khi đó, nhận định về thị trường BĐS, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng, thị trường đã có dấu hiệu chậm lại, trầm lắng, giao dịch nhà đất sụt giảm trên dưới 50% tùy theo dự án và khu vực, nhưng giá nhà đất vẫn còn ở mức giá cao do doanh nghiệp và nhà đầu tư có tâm lý kỳ vọng thị trường sẽ được cải thiện trong những tháng cuối năm.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư thường sử dụng đòn bẩy tài chính lớn (50-70%) nên sức chịu đựng có hạn và đến một thời điểm phải “xả hàng”, “cắt lỗ” nhằm bảo tồn phần vốn còn lại.
Hiện, các chủ đầu tư, người mua nhà và nhà đầu tư thứ cấp hiện khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn khác như: chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, vốn ứng trước từ khách hàng… Đồng thời, thị trường khó khăn còn có nguyên nhân vướng mắc về thể chế pháp luật và khâu thực thi pháp luật.
Tổng Hợp