Thị trường chứng khoán đang trải qua những phiên “đỏ lửa”, tiền ảo lao dốc không phanh, vàng biến động khó lường và giá chênh lệch quá cao so với thế giới, trái phiếu doanh nghiệp đóng băng, lãi suất tiết kiệm tuy có xu hướng tăng song vẫn ở mức thấp… khiến không ít nhà đầu tư loay hoay tìm kênh đầu tư sinh lời trong trong thời gian tới.
Phân khúc bất động sản cao cấp dự kiến sẽ là một trong những kênh đầu tư trung và dài hạn đầy tiềm năng. Tốc độ tăng trưởng tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang thuộc hàng cao nhất Đông Nam Á với 1,4 triệu người tăng thêm mỗi năm.
Dự báo trong 25 năm tới, một nửa dân số (tương đương hơn 50 triệu người Việt Nam) sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu. Nhu cầu nâng cao chất lượng không gian sống là tất yếu và dòng tiền sẽ tiếp tục đổ vào phân khúc căn hộ cao cấp.
Dù được đánh giá là kênh đầu tư tiềm năng, nhưng việc lựa chọn phân khúc bất động sản phù hợp để “xuống tiền” cũng là băn khoăn của nhiều nhà đầu tư.
Theo nhận định của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), mặc dù thị trường bất động sản (BĐS) trong quý III còn gặp nhiều khó khăn nhưng chưa rơi vào suy thoái, bởi sự quan tâm và nhu cầu vẫn ở mức cao.
VARS cho rằng, thời gian tới thị trường sẽ bước vào giai đoạn tái cân bằng, tiếp tục phát triển bền vững khi Nhà nước sử dụng hiệu quả những chính sách, công cụ nhằm điều tiết cung-cầu BĐS.
Nguồn cầu của thị trường BĐS vẫn ở mức cao là cơ sở cho tiềm năng tăng giá trong trung và dài hạn của kênh đầu tư này. Tại họp báo thông tin về thị trường BĐS Quý III/2022 của VARS mới đây, ông Đỗ Quý Duy, Phó TGĐ kinh doanh Tập đoàn Hải Phát nhận định, về phân khúc chung cư tại Hà Nội, trong khoảng 3 năm tới nguồn cung sẽ rất ít trong khi nhu cầu ở thực vẫn ở mức cao, khiến cho mức giá trong tương lai của phân khúc này chắc chắn sẽ tăng.
Những suy luận trên của các chuyên gia không phải vô căn cứ. Bởi theo họ, Luật đất đai sắp thông qua, Chính phủ đang mạnh tay thanh lọc thị trường. Trong khi các dự án được đưa về giá tiệm cận với giá trị thực trở thành cơ hội tốt cho rất nhiều nhà đầu tư có nhu cầu ở thực để sở hữu BĐS tốt với giá hấp dẫn.
Tuy nhiên, các câu hỏi như: mua dự án nào, thị trường nào, giá nào thì đáy, cũng như môi trường sống, sự tiện lợi ra sao… luôn làm đau đầu tất cả những người có tiền.
Sau nhiều tháng “án binh bất động”, việc nhiều doanh nghiệp địa ốc đồng loạt “bung hàng” được xem là tín hiệu tích cực để cải thiện nguồn cung sản phẩm ra thị trường, thế nhưng hàng loạt khó khăn vẫn còn bủa vây như khó tiếp cận tín dụng ngân hàng, lãi suất cho vay tăng, giá nhà vẫn neo cao… thì sức mua bất động sản là một ẩn số lớn.
Lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc tầm trung ở TP.HCM chia sẻ, vẫn biết sức mua những tháng cuối năm nay còn yếu, nhưng doanh nghiệp buộc phải mở bán dự án vì không còn lựa chọn nào khác.
“Tổ chức một chương trình bán hàng tốn kém không ít chi phí, nhưng không mở bán thì không có doanh thu. Ít ra khi bán được hàng, doanh nghiệp còn có đồng ra đồng vào, chứ nguồn tài chính hiện đã cạn kiệt rồi”, vị này nói và cho biết thêm, dự án từng mở bán vào đầu quý III/2022 nhưng rất ít sản phẩm được chốt thành công, cho dù đã đẩy mạnh quảng cáo. Công ty phải mời nhiều sàn khác cùng tham gia phân phối nhưng doanh số cũng chỉ cải thiện hơn đôi chút.
Thậm chí, kể cả khi bán được hàng, vị này vẫn chưa thể yên tâm vì nguồn vốn ngân hàng cam kết có thể không được giải ngân. “Dù doanh nghiệp đã ký hợp đồng với khách hàng, có sự hỗ trợ của các ngân hàng nhưng bỗng một ngày, tất cả ngân hàng tham gia đều tuyên bố dừng giải ngân vì cạn room tín dụng. Việc khách hàng không tiếp cận được vốn vay chắc chắn ảnh hưởng đến tốc độ bán hàng và thanh khoản dự án ngay lập tức”, ông nói.
Tổng Hợp