Các Ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục tăng mạnh lãi suất huy động. Lãi suất đầu vào vẫn đang áp lực lên lãi suất đầu ra…
Theo báo cáo của SSI Research, tính đến giữa tháng 10, các Ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục tăng mạnh lãi suất huy động. Mặt bằng lãi suất huy động ở các NHTM đã tăng khoảng 200-250 điểm cơ bản so với cuối năm 2021, với mức lãi suất cho kỳ hạn 12 tháng dao động từ 6,5% đến hơn 8%.
Các khảo sát mới nhất của chúng tôi cho thấy, nhiều ngân hàng như SCB, ABBank, Kienlongbank, SeABank…đã tăng lãi suất huy động lên mức tiệm cận 9%/năm. Nhiều nhà băng khác cũng đưa lãi suất huy động lên vùng 8%/năm như NHTMCP Bản Việt, NamABank, VPBank…
SSI Research đánh giá, áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động và cho vay còn khá cao trong giai đoạn còn lại của năm. Trên thực tế, cả các NHTM và doanh nghiệp đều đang gặp nhiều khó khăn trong việc tài trợ nhu cầu vốn hoạt động của mình.
Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) thì nhận định lãi suất huy động dự báo sẽ tăng ít nhất 1,0%. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất cho vay cũng có xu hướng tăng nhẹ nhưng thấp hơn mức tăng của lãi huy động (khoảng 0,4-0,7%).
Ở góc nhìn của PGS.TS. Phạm Thế Anh – Giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, lãi suất đầu vào tăng đồng nghĩa với chi phí vốn của ngân hàng sẽ nâng lên. Nếu không có sự hỗ trợ từ phía nhà nước lãi suất đầu ra của ngân hàng phải tăng theo.
Chuyên gia cũng chia sẻ, mặc dù NHNN có nới room cho một số ngân hàng, song trên thực tế chỉ là cơ cấu lại hạn mức giữa các nhà băng, về tổng thể vẫn duy trì mức tăng trưởng 14%.
Với các ngân hàng vẫn còn room tín dụng để cho vay thêm, chắc chắn nhóm này sẽ nâng lãi suất vì nhu cầu vốn hiện nay đang lớn trong khi room còn hạn hẹp, chi phí đầu vào cao hơn, lãi suất cho vay tăng là điều khó tránh khỏi.
Trên thực tế, nhu cầu tín dụng tăng lên có thể được nhìn thấy rất rõ. Tăng trưởng tín dụng liên tục ghi nhận mức cao trong 10 năm trở lại đây. Đến cuối quý II/2022, nhiều ngân hàng đã hết hạn mức tăng trưởng cho vay (room tín dụng). Tổng hợp từ các báo cáo của công ty chứng khoán VN-Direct, NHNN đã nới room 2 lần và có 18 nhà băng đã được cấp thêm hạn mức.
Các báo cáo gần đây cũng đang cho thấy áp lực lên hệ thống ngân hàng sẽ khó có thể giảm trong tương lai gần do phải gánh thêm nhu cầu vốn từ các thị trường vốn khác.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính-tiền tệ Quốc gia, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang được Chính phủ chấn chỉnh lại nên có sự suy giảm mạnh và dồn nhu cầu vốn trở lại sang phía ngân hàng.
Báo cáo mới nhất của Fiin Ratings cũng cho thấy, sau khi ghi nhận lượng phát hành thấp nhất cả năm hồi tháng 8, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 9 tiếp tục kéo dài xu hướng giảm. Cụ thể, giá trị phát hành trong tháng 9 đạt 16,1 nghìn tỷ VNĐ, giảm 18,27% so với tháng trước và 76,44% so với cùng kỳ.
Các ngân hàng đã cập nhật biểu lãi suất cho vay mới và có tăng so với các giai đoạn trước.
Cụ thể, lãi suất cơ sở mới tại ACB, là 7,5%; ABBank là 9,8%; SeABank là 9,4%, VietBank lãi suất 7,85% (khoản vay dưới 6 tháng), 8,2% (khoản tín dụng 6-12 tháng) và 9,1% đối với các khoản vay trên 1 năm.
VPBank có lãi suất cơ sở bằng VND áp dụng đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm của KHCN (kỳ điều chỉnh lãi 1 tháng) cho kỳ hạn 1-3 tháng là 8,6%, 6 tháng là 9%, 9-10 tháng là 9,3%, 12 tháng là 9,4%. Trong khi đó, hồi đầu quý II, lãi suất ở các kỳ hạn này chỉ ở mức 6,4-7,7%/năm.
Hoặc tại TPBank lãi suất cơ sở đối với khách hàng cá nhân (KHCN) kỳ hạn 1 tháng tăng thêm 0,6 điểm phần trăm (đpt) so với cuối tháng 9, kỳ hạn 3 tháng tăng 0,5 đpt, 6 tháng (+0,7đpt), 12 tháng (+0,6 đpt).
Theo dữ liệu từ Fiin Group, từ cuối quý 2 đã có hiện tượng lãi suất cho vay tăng nhanh hơn so với lãi suất huy động. Cụ thể lãi suất tiền gửi bình quân đã tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý 1 trong khi lãi suất huy động chỉ tăng 0,2 điểm phần trăm.
Tổng Hợp