Thị trường chứng khoán vừa trải qua quý 3 khá tiêu cực khi chỉ số VN-Index liên tục ghi nhận những phiên giảm sâu, thậm chí lọt top những chỉ số có diễn biến kém tích cực nhất thế giới. Thị trường giảm sâu ảnh hưởng mạnh đến lợi nhuận của các công ty chứng khoán.
Cùng với đó, tâm lý thận trọng cũng khiến thanh khoản rất èo uột, rơi về mức 10.000 – 14.000 tỷ/phiên, không ít phiên giao dịch ghi nhận giá trị giao dịch khớp lệnh trên HoSE về mức thấp nhất hàng chục tháng với giá trị quanh ngưỡng 7.000 tỷ đồng.
Doanh thu tự doanh của Chứng khoán FPT (FPTS) cũng giảm mạnh trong quý 3 chủ yếu do chênh lệch đánh giá lại khoản đầu tư cổ phiếu MSH với giá trị cuối quý 3/2022 giảm tới 162 tỷ đồng so với con số quý liền trước, trong khi cùng kỳ năm 2021 lãi 150 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí, FPTS lỗ trước thuế 35 tỷ đồng trong quý 3/2022, trong khi cùng kỳ lãi 333 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu hoạt động của FPTS giảm 38% xuống 633 tỷ đồng, lãi trước thuế giảm 56% xuống 330 tỷ đồng.
Tương tự, Chứng khoán APG cũng ghi nhận lỗ bán danh mục FVTPL hơn 75,6 tỷ đồng, trong đó lỗ bán là 39,2 tỷ đồng và chênh lệch giảm đánh giá lại là 36,4 tỷ đồng. Tại ngày 30/9, danh mục tự doanh của công có giá trị thị trường gần 431 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động của công ty là 181 tỷ đồng, còn lỗ trước thuế ở mức 48 tỷ đồng, trong khi cũng kỳ năm trước lãi hơn 91 tỷ đồng.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng đã công bố báo cáo KQKD quý 3/2022 với lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt hơn 20 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại ngày 30/9, danh mục cổ phiếu của VDSC có giá trị ghi sổ khoảng 800 tỷ đồng với những cổ phiếu niêm yết có tỷ trọng lớn nhất trọng danh mục bao gồm: DBC, TCB, CTG, HPG, ACB, HSG,…Công ty đang tạm ghi lỗ 224 tỷ đồng từ các cổ phiếu niêm yết. Cụ thể, VDSC tạm ghi lỗ DBC khoảng 52 tỷ đồng, TCB và CTG tạm lỗ lần lượt khoảng 41 tỷ đồng và 35 tỷ đồng.
Kết quả, luỹ kế 9 tháng đầu năm, VDSC thu về gần 625 tỷ đồng tổng doanh thu hoạt động, giảm 15% cùng kỳ và lỗ sau thuế 105 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi lớn.
Về phần mình, lũy kế 9 tháng đầu năm năm 2022, chứng khoán ACB (ACBS) ghi nhận doanh thu đạt 995 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế đạt 13,2 tỷ đồng, giảm 97% so với cùng kỳ.
ACBS ghi nhận suy giảm từ cả hai mảng kinh doanh. Cụ thể, doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán lũy kế 3 quý đầu năm 2022 giảm 23% so với cùng kỳ năm trước và doanh thu tự doanh giảm 43% còn 344,6 tỷ đồng, trong khi chi phí mảng này tăng lên 538 tỷ đồng dẫn đến mảng này ghi nhận khoản lỗ 193,6 tỷ đồng.
Trong bối cảnh đó, các công ty chứng khoán cũng không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt là mảng tự doanh – với nhiều công ty báo lỗ hàng trăm tỷ đồng. Dẫn đầu là Chứng khoán Everest (mã EVS) với việc ôm cổ phiếu NVB của Ngân hàng Quốc dân.
Cụ thể, tại thời điểm cuối tháng 9, giá trị sổ sách của danh mục FVTPL của EVS đạt hơn 999 tỷ đồng và giá trị thị trường là 1.011 tỷ đồng. Trong đó, công ty chứng khoán này nắm giữ gần 14,4 triệu cổ phiếu NVB với giá vốn 273,3 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh công ty này đi xuống trong quý 3, bởi tại thời điểm 30/6, lô cổ phiếu NVB này có giá trị trường 465,7 tỷ đồng, tương đương mức lãi 192,4 tỷ đồng, song cập nhật tại ngày 30/9, khoản đầu tư này đang lỗ hơn 10 tỷ đồng. Bên cạnh đó, EVS đang nắm giữ 4,9 triệu cổ phiếu ACB và khoản đầu tư này đang lỗ hơn 14,5 tỷ đồng.
Kết quả, Chứng khoán Everest báo lỗ trước thuế 187,1 tỷ đồng trong quý 3, trong khi cùng kỳ lãi 33,8 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu hoạt đông của công ty này là 738 tỷ đồng, tăng 11,3%, còn lỗ sau thuế ở mức 4,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 205 tỷ.
Với Chứng khoán DNSE, danh mục tự doanh của công ty này gồm STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (HoSE: STB), OIL của Tổng công ty Dầu Việt Nam (UPCoM: OIL) và MCM của Công ty Cổ phần Sữa Mộc Châu (UPCoM: MCM). Trong đó, cổ phiếu STB đã mất hơn 26% giá trị so với giá trị gốc, cổ phiếu MCM mất hơn 33,8% còn OIL mất 21% giá trị. Tổng cộng giá trị cổ phiếu mà DNSE nắm giữ đã mất gần 17% giá trị so với giá trị gốc, tương đương “bốc hơi” gần 107 tỷ đồng.
Kết quả sau 9 tháng, DNSE ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt hơn 304 tỷ đồng và 36,3 tỷ đồng. Trong đó doanh thu tăng gấp 2,7 lần, lợi nhuận giảm 19% so với cùng kỳ.
Tổng Hợp