Theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới, diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, phản ứng chính sách của các nền kinh tế lớn, các đối tác thương mại, đầu tư chính, đánh giá nguyên nhân và ảnh hưởng của lạm phát để chủ động có giải pháp điều hành phù hợp.
Với kế hoạch năm 2023, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp. Như là cần kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng.
Kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến lạm phát trong nước kể cả từ phía cầu và chi phí đẩy, nhất là tác động do giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu sản xuất tăng cao trên thế giới.
Xây dựng kịch bản ứng phó với nguy cơ đình trệ và lạm phát.Cơ quan của Quốc hội cho rằng, chính sách tiền tệ cần phải linh hoạt hơn và chú trọng hơn đến việc hướng dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên nền kinh tế, đồng thời thận trọng với rủi ro lạm phát; việc sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ hiện hành như lãi suất, tăng trưởng tín dụng và các biện pháp điều hành thị trường ngoại hối phải nhất quán để kiểm soát lạm phát, hạn chế rủi ro tài chính.
Trong bối cảnh hiện nay, cần điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, chú trọng đến cơ cấu và chất lượng tín dụng, hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng cơ cấu tín dụng hợp lý trong năm 2023 và có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai có hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất 2%, báo cáo thẩm tra nêu.
Giải pháp tiếp theo được Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh lưu ý là duy trì ổn định, an toàn của thị trường tài chính, tiền tệ, nhất là các lĩnh vực đang tiềm ẩn nhiều rủi ro như thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, vàng.
Lưu ý rủi ro liên thông giữa thị trường bất động sản với thị trường vốn và hệ thống các tổ chức tín dụng. Thận trọng rủi ro nợ xấu khi đã chấm dứt chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ.
Đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu, cơ cấu lại hệ thống tài chính, ngân hàng, xử lý thực chất và hiệu quả các ngân hàng yếu kém, chú trọng tăng cường tiềm lực cho hệ thống các ngân hàng thương mại bằng các giải pháp tăng vốn, nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước.
Khắc phục, xử lý nghiêm tình trạng sở hữu chéo. Khuyến khích các tổ chức tín dụng tăng cường doanh thu các dịch vụ ngân hàng phi tín dụng có giá trị gia tăng cao; tiết giảm chi phí, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đối với chính sách tài khóa, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu mở rộng hơn không gian chính sách tài khóa nhưng cần gắn với hiệu quả của đầu tư công để tránh gây rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô.
Cơ quan của Quốc hội đề nghị, cần tiếp tục theo dõi sát tình hình giá xăng dầu thế giới và trong nước, từ đó đề xuất phương án kịp thời, phù hợp về thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu, nghiên cứu giải pháp miễn giảm phí, lệ phí trong lĩnh vực giao thông vận tải hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh giá xăng dầu cao.
Theo Ủy ban Kinh tế, dư địa cho các chính sách tài khóa vẫn còn, cần tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ nhưng phải bảo đảm có hướng đích và có mục tiêu; nghiên cứu tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp gia hạn thuế mà không thực hiện miễn giảm thuế, nhất là với thuế thu nhập doanh nghiệp, không lựa chọn giảm thuế theo tiêu chí doanh thu như năm 2020, năm 2021; rà soát cụ thể lại các chính sách quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của doanh nghiệp.
Về thị trường chứng khoán, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh phản ánh, tốc độ tăng trưởng nhanh và chia sẻ vai trò huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế với thị trường tiền tệ song có nhiều biến động và tiềm ẩn rủi ro. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng được mở rộng nhưng có giai đoạn tăng nóng; cơ cấu thị trường còn thiếu cân đối; chất lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chưa cao; sử dụng vốn huy động qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sai mục đích, thiếu minh bạch.
Các doanh nghiệp bất động sản có tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao, tình hình tài chính kém lành mạnh có thể gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản tín dụng hoặc nợ trái phiếu đến hạn.
Vừa qua vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan cùng với những vụ việc khác liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán xảy ra trong năm đã và đang gây ra nhiều hệ lụy đối với việc phát triển bền vững thị trường vốn, đối với xã hội, gây mất niềm tin của người dân và nhà đầu tư.
Có ý kiến đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời đề nghị có đánh giá thận trọng, chính xác về mức độ ảnh hưởng để có giải pháp phù hợp, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững của thị trường tiền tệ, thị trường vốn.
Thị trường bất động sản có dấu hiệu tăng nóng trong những tháng đầu năm 2022, có tình trạng “đẩy giá” gây sốt ảo bất động sản. Rủi ro tác động liên thông giữa thị trường bất động sản với thị trường vốn và hệ thống các tổ chức tín dụng gia tăng.
Tổng Hợp