Tuần qua, các ngân hàng rục rịch công bố kết quả kinh doanh quý III/2022 và 9 tháng đầu năm 2022. Kết quả vẫn khả quan, có ngân hàng ghi nhận lợi nhuận gấp đôi, gấp ba cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, niềm vui có thể không kéo dài sang quý IV nợ xấu ngành ngân hàng được dự báo sẽ gia tăng…
Một điểm sáng trên thị trường là thông tin liên quan đến điều chỉnh hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng cho 4 ngân hàng thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ tổ chức tín dụng yếu kém theo chủ trương của Chính phủ là VPBank, MB, HDBank và Vietcombank. Theo tính toán của VNDIRECT, đợt điều chỉnh room tín dụng sẽ tạo thêm khoảng 83.500 tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế. Cập nhật vào room tín dụng năm 2022 của 18 ngân hàng (chiếm khoảng 80% tín dụng toàn hệ thống), tổng tăng trưởng tín dụng của nhóm này sẽ đạt khoảng 13,6% vào cuối năm.
Với định hướng ổn định lạm phát và tỷ giá, ông Nghĩa cho rằng, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ thận trọng trong các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Do đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay duy trì mức 14%, điều này gần như đồng nghĩa cơ hội điều chỉnh room tín dụng trong hệ thống là không còn và hoạt động cung tiền sẽ tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định, động lực tăng trưởng chính trong thời gian qua là “tái mở cửa” sẽ giảm dần, trong khi đầu tư công chưa thể có sự đột phá, các thách thức và rủi ro có xu hướng gia tăng.
“Thứ nhất, mặt bằng giá nguyên vật liệu ở mức cao khi đã tăng 6% so với năm trước và tăng khoảng 12% trong vòng 2 năm qua. Thứ hai, kinh tế toàn cầu kém thuận lợi, ảnh hưởng đến triển vọng thương mại cũng như dòng vốn quốc tế. Thứ ba, điều kiện tài chính thắt chặt do các kênh vốn như tín dụng, thị trường chứng khoán hay trái phiếu doanh nghiệp đều gặp khó khăn, bởi áp lực quốc tế cũng như các vấn đề nội tại”, ông Nghĩa nói.
Trong diễn biến có liên quan, báo cáo tài chính các tổ chức tín dụng cho thấy, tỷ lệ nợ xấu trung bình tăng lên 1,34% vào cuối quý II/2022 so với mức 1,28% cuối năm 2021. Tuy nhiên, lo ngại về rủi ro nợ xấu tăng cao sẽ xảy ra trong nửa cuối năm 2022 khi Thông tư 14/2021/TT-NHNN về cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hết hiệu lực vào cuối tháng 6/2022 được giảm bớt, bởi chất lượng tài sản của các ngân hàng đã được cải thiện mạnh mẽ nhằm đối phó với rủi ro này.
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần nhận xét, lợi nhuận các ngân hàng tăng mạnh trong thời gian qua là nền tảng để có bộ đệm dự phòng vững chắc và tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao. Mặc dù vậy, diễn biến xấu đi trên thị trường là chỉ báo cho thấy lợi nhuận sắp tới sẽ không còn tăng trưởng cao như trước, bộ đệm dự phòng rủi ro mỏng dần và nợ xấu gia tăng.
“Tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2022 sẽ tăng thêm và có sự phân hoá giữa các ngân hàng”, vị tổng giám đốc dự báo.
Thực tế, các ngân hàng đang đẩy mạnh xử lý nợ. Chẳng hạn, trên website của BIDV từ ngày 3 – 13/10/2022, ngân hàng này đã đăng 15 tin liên quan đến vấn đề xử lý nợ. Trong đó, BIDV chi nhánh Bình Tân thông báo lần thứ 5 về việc bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại 2791 Huỳnh Tấn Phát, ấp 6, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TP. HCM, với giá khởi điểm hơn 16,6 tỷ đồng.
BIDV Gia Lai thông báo về việc bán đấu giá tài sản là dự án Nhà máy Thủy điện Tân Thượng do Công ty cổ phần Năng Lượng Tân Thượng làm chủ đầu tư, với giá khởi điểm hơn 325 tỷ đồng.
Agribank chi nhánh Nam Hà Nội đăng thông báo đấu giá tài sản để xử lý nợ xấu trên website của Agribank là 1 xe ô tô bán tải với giá khởi điểm 650 triệu đồng, căn hộ 708, 709 nhà 17T7 Khu đô thị mới Trung Hòa – Nhân Chính, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội với giá khởi điểm gần 7,5 tỷ đồng.
Vietcombank Nam Định vừa thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản của Công ty cổ phần Dược và Ngoại thương Việt Nam là bất động sản/nhà với giá khởi điểm trên 7,7 tỷ đồng.
Trong nỗ lực thu hồi nợ, không chỉ có các ngân hàng có vốn nhà nước, mà các ngân hàng tư nhân cũng nỗ lực thu giữ và phát mại tài sản bảo đảm, thể hiện trên website của ngân hàng như VIB, VPBank, LienVietPostBank…
TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia dự báo, cuối năm 2022, nợ xấu nội bảng là 2% (cuối năm 2021 là 1,9%) và nợ xấu gộp khoảng 6%.
Về trái phiếu doanh nghiệp, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, cùng với nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc làm lành mạnh hóa thị trường này, Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung cho Nghị định 153/2022/NĐ-CP về chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã được ban hành, nhưng các thành viên thị trường (doanh nghiệp phát hành, đơn vị tư vấn và nhà đầu tư) cần thời gian để điều chỉnh cho phù hợp với các quy định mới.
“Vì vậy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ tiếp tục trầm lắng trong một vài quý tới”, ông Hinh dự báo.
Dữ liệu trên thị trường cho thấy, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý III là 60.635 tỷ đồng, giảm 50,5% so với quý II và giảm 70,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành ước đạt 248.603 tỷ đồng, giảm 43,5% so với 9 tháng đầu năm 2021. Kênh huy động vốn trái phiếu giảm khiến áp lực trái phiếu đáo hạn gia tăng kể từ quý IV/2022. Trước mắt, quý cuối năm 2022 sẽ có 58.840 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, ít hơn 9,1% so với quý III, nhưng nhiều hơn 87,7% so với cùng kỳ. Trong đó, tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn của ngành bất động sản và tài chính – ngân hàng lần lượt là 34,1% và 32,9%.
Một số doanh nghiệp bất động sản có giá trị trái phiếu đáo hạn cao trong quý IV/2022 là Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (3.000 tỷ đồng); Công ty cổ phần Bách Hưng Vương (2.980 tỷ đồng). Trong nhóm tài chính – ngân hàng, giá trị trái phiếu đáo hạn quý cuối năm 2022 tại Kỹ Thương Việt Nam là 4.500 tỷ đồng, tại Quốc tế Việt Nam là 3.000 tỷ đồng, tại Việt Nam Thịnh Vượng là 1.950 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, VN-Index trong tháng 9 vừa qua ghi nhận mức giảm khoảng 12% và bước sang đầu tháng 10 tiếp tục giảm cả về điểm số lẫn thanh khoản. Theo ông Hinh, lãi suất tăng ảnh hưởng đến định giá chứng khoán, bởi chi phí cơ hội khi đầu tư vào chứng khoán cao hơn và chi phí lãi vay cao hơn sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Tuần qua, các ngân hàng rục rịch công bố kết quả kinh doanh quý III/2022 và 9 tháng đầu năm 2022. Kết quả vẫn khả quan, có ngân hàng ghi nhận lợi nhuận gấp đôi, gấp ba cùng kỳ năm ngoái. Điều này cũng không ngoài dự đoán, bởi GDP quý III ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua khi đạt mức 13,67% so với cùng kỳ năm trước.
Kinh tế tăng trưởng tích cực trong quý III được thể hiện ở tất cả các hoạt động, đặc biệt là tiêu dùng. Cụ thể, doanh số bán lẻ tăng 41,7%, vốn đầu tư thực hiện tăng 18,1%, xuất khẩu tăng 9,3% trong khi nhập khẩu tăng 2,7% và xét theo lĩnh vực kinh tế, ngành dịch vụ tăng 18,9%.
Tổng Hợp