Ngày 17/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định nới rộng biên độ tỷ giá USD/VND, tham chiếu theo tỷ giá trung tâm, từ +/-3% lên +/-5%. Đi cùng, NHNN tăng mạnh giá bán ra USD với mức độ chưa từng có trong lịch sử.
Nhìn lại những gì vừa qua, đã ba lần liên tiếp trong hơn một tháng trở lại đây NHNN tăng mạnh giá bán ra USD. Sau mỗi lần nâng như vậy tỷ giá trên các thị trường lại lần lượt vượt qua, giá “chốt chặn” của Nhà điều hành lại hụt sâu, và sau đó là các lần rượt đuổi với thị trường.
Qua mỗi lần nâng giá bán, NHNN vẫn giữ cách yết giá bán tạo cung cho thị trường thấp hơn mức trần. Dù vậy, giá trên thị trường vẫn nhanh chóng vượt lên, có những nhu cầu ngoại tệ phải mua cao hơn mới có thể gặp cung. Qua những lần vượt qua như vậy, niềm tin vào “giá chốt chặn” của NHNN không còn nguyên vẹn nữa.
Lần này, Sở Giao dịch NHNN nâng mạnh giá bán USD nhưng vẫn tiếp tục thấp hơn mức trần biên độ: 24.380 VND so với 24.765 VND, tính trong ngày 17/10. Liệu tới đây, tỷ giá tiếp tục tăng lên và vượt qua mốc 24.380 VND, NHNN sẽ tiếp tục nâng giá bán?
Câu trả lời còn phía trước, nhưng qua ba lần thực tiễn vừa qua, một mặt niềm tin vào một mức “giá chốt chặn” đã không còn như trước, mặt khác kỳ vọng tăng giá trên thị trường càng thêm cơ sở để nối dài.
Ở điểm quan sát thứ hai: diễn biến tỷ giá USD/VND gần đây có “điều lạ”. Tỷ giá trung tâm (dùng để tham chiếu cho tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng) liên tục và có chuỗi tăng giá mạnh, kéo dài. “Lạ” là bởi trong chuỗi tăng mạnh và kéo dài này diễn ra sau khi NHNN đã tăng các lãi suất điều hành, chỉ số USD Index giảm mạnh trên thị trường thế giới (sau khi tiến gần 115 điểm đã giảm về quanh 111-112 điểm).
“Điều lạ” trên khiến vấn đề của tỷ giá trung tâm, các cấu phần “tính” nên nó và công bố hàng ngày được chú ý, khi chỉ một chiều tăng mạnh và liên tiếp nói trên. Song sẽ không lạ khi nhìn nhận rằng, tỷ giá trung tâm đã không còn… “trung tâm” nữa. Nó đã trở nên quá thấp, khi chỉ tăng chưa đầy 2% kể từ đầu năm, trong khi tỷ giá trên các thị trường đã tăng quanh 6% và cao hơn nhiều.
Dĩ nhiên NHNN có những tính toán trong “cấu phần” của tỷ giá trung tâm. Điểm liên kết, tỷ giá này liên tiếp tăng cao sẽ tạo nền cơ sở để tạo mức tỷ giá trần cao hơn, rộng hơn.
Nhưng từ trong tuần trước, giá USD bán ra trên biểu niêm yết của nhiều ngân hàng thương mại đã kịch trần biên độ. Khi tỷ giá kịch trần, không gian giao dịch trở nên ngột ngạt hơn, tức bên cung không thể nới thêm dù chi phí đầu vào dồn lên. Khi thị trường có dấu hiệu ngột ngạt, giao dịch sẽ kém thông suốt. Trong bất cứ một thị trường nào, giao dịch không hoặc kém thông suốt thường phát sinh những bất cập, thường là tiêu cực.
Diễn biến trên kết nối đến quyết định nới rộng biên độ tỷ giá, từ +/-3% lên +/-5% theo quyết định ngày 17/10 của NHNN. Làn đường được cơi nới, giao dịch có thêm không gian để cung – cầu dễ gặp nhau hơn. Một biên độ rộng hơn sẽ phản ánh tính thị trường hơn, và dĩ nhiên bao hàm mức độ biến động rộng lớn hơn và rủi ro tỷ giá mang tính thời điểm cũng có biên lớn hơn.
Có một câu hỏi ngược lại, trong bối cảnh nhiều biến động và nhiễu động như hiện nay thì càng cần vai trò điểm tựa, định hướng sát hơn của Nhà điều hành? Nhưng ngược lại, biên độ lớn hơn môi trường biến động càng lớn hơn, vai trò và điểm tựa đó như càng xa hơn. Nói một cách hình ảnh thì ngọn hải đăng để người dân và doanh nghiệp nhìn về giữa “biển tỷ giá” có trở nên xa và mờ hơn không khi mở rộng biên độ như vậy?
Sau khi nới biên độ, kỳ vọng thị trường cũng sẽ thay đổi, kể cả kỳ vọng tỷ giá sẽ tiếp tục tăng nữa. Theo đó, những điều chỉnh ngày 17/10 chưa phải là điểm khép lại quãng biến động mạnh và kéo dài hiện nay.
Nguyên do, NHNN đã nêu rõ trong thông cáo về quyết định điều chỉnh. Thị trường thế giới biến động, chính sách thắt chặt tiền tệ và tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng như nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới, hàng loạt đồng tiền đã biến động mức độ rất mạnh… Theo đó, Việt Nam không thể cố định mục tiêu ổn định tỷ giá, kiên cố thành trì tỷ giá, mà phải linh hoạt.
Mặt khác, khi mà đồng tiền của Việt Nam quá ổn định trong bối cảnh nhiều đồng tiền của các đối tác thương mại mất giá lớn cũng được xem như “bất lợi kép” trong cạnh tranh.
Tổng Hợp