Năm 2022 đánh dấu giai đoạn phục hồi của ngành du lịch Việt Nam sau 2 năm ‘đóng băng’ do đại dịch. Tần suất chuyến bay nội địa đã quay trở lại mức năm 2019.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc, Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương cho biết, thị trường nghỉ dưỡng đang dần hoạt động sôi động trở lại. Một số khách sạn trong thành phố đã cải thiện công suất nhờ nhu cầu di chuyển khách du lịch và chuyên gia tới Việt Nam… Các thị trường nghỉ dưỡng ven biển có tỷ lệ lấp đầy cao, đặc biệt là đối với phân khúc hạng sang. Nhưng những dự án không có vị trí đẹp lại đang gặp khó khăn.
Trải nghiệm khách hàng là điểm then chốt trong ngành du lịch nghỉ dưỡng, việc thiết kế và khai thác yếu tố này còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân có thể đến từ việc áp dụng quan điểm về bất động sản nhà ở lên phân khúc nghỉ dưỡng.
Tại một dự án BĐS nhà ở như chung cư hay nhà phố, quá trình sinh hoạt hàng ngày của cư dân sẽ là yếu tố được chủ đầu tư chú trọng. Trải nghiệm này được mang đến bởi hệ thống tiện ích phục vụ các nhu cầu thường nhật, cùng dịch vụ quản lý vận hành ổn định và chuyên nghiệp.
Còn đối những dự án BĐS nghỉ dưỡng hay ngôi nhà thứ 2, ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng của con người. Không gian của dự án này cần được thiết kế đặc biệt để mang đến cảm giác thư thái cho du khách.
Do đó, hướng tiếp cận sai có thể sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, điển hình là sự xuất hiện của những dự án có tổng thể kém hiệu quả như: thiếu điểm nhấn, tiện ích chất lượng và không tạo được không gian thư giãn cho khách hàng. Những dự án như vậy sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút du khách, dẫn tới nguồn cung dư thừa trong khi nhu cầu của khách hàng lại không được đáp ứng.
Trong khi đó, báo cáo thị trường quý III của DKRA Group cho thấy, loại hình BĐS nghỉ dưỡng tiếp tục ghi nhận sự gia tăng nguồn cung mới ở phân khúc condotel. Cụ thể nguồn cung mới trong quý khoảng 1.474 căn, tăng 53% so với quý II và đạt mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Nguồn cung phân bổ không đồng đều và tập trung cục bộ tại một số dự án ở Bình Định, Bà Rịa – Vũng Tàu và Quảng Nam. Tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 63%, tương đương 928 căn.
Đối với phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng và nhà phố nghỉ dưỡng, sự sụt giảm diễn ra ở cả nguồn cung lẫn sức cầu do động thái tăng cường kiểm soát tín dụng trong thời gian qua chưa được tháo gỡ. Tuy nhiên, mặt bằng giá bán sơ cấp vẫn tiếp tục tăng so với quý II và cùng kỳ năm 2021.
Những dự án được vận hành bởi các thương hiệu quốc tế 4-5 sao vẫn là điểm sáng thu hút sự quan tâm của khách hàng, đa phần các dự án này đạt tỷ lệ bán hàng tích cực hơn so với mặt bằng chung toàn của thị trường.
Số liệu của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, trong nửa đầu năm, thị trường nội địa đạt 20,8 triệu khách, tăng 58,4% so cùng kỳ 2021 và thậm chí tăng 12% so cùng kỳ năm 2019.
Bên cạnh đó, các hãng hàng không tại Việt Nam đã chuyển hướng khai thác sang các thị trường tiềm năng như Ấn Độ và mở rộng đường bay tại các thị trường quen thuộc như Hàn Quốc, Singapore và Malaysia. Đây là một tín hiệu khả quan trong bối cảnh thị trường quốc tế có tốc độ hồi phục chậm do nhiều quốc gia, khu vực vẫn đang áp dụng các quy định hạn chế đi lại nhằm phòng chống dịch COVID-19.
Cùng với sự hồi sinh của ngành du lịch, hoạt động của thị trường khách sạn cũng được cải thiện. Công suất thuê phòng tại Hà Nội trung bình tăng 16% theo năm, so với mức 27% của cùng kỳ 2021. Tại TP.HCM, công suất trung bình cũng đạt 39%, tăng lên từ mức 18% của cùng kỳ 2021.
Về thị trường cuối năm, DKRA Group dự báo, nguồn cung condotel dự kiến giảm so với quý III, cung cấp ra thị trường khoảng 800-900 căn, tập trung phần lớn ở những thị trường quen thuộc như Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Bình Định và Quảng Bình. Nguồn cung biệt thự, nhà phố nghỉ dưỡng trong 3 tháng cuối năm duy trì ở mức tương đương quý III.
Sức cầu chung thị trường có thể giảm nhẹ nếu động thái kiểm soát tín dụng chưa được tháo gỡ. Những dự án nằm trong khu nghỉ dưỡng phức hợp, đầy đủ tiện nghi và có vị trí tốt tiếp tục nhận được sự quan tâm của khách hàng.
Tổng Hợp