Sau khi trải qua tháng 9 với nhiều phiên lao dốc dữ dội, thị trường chứng khoán Việt Nam lại tiếp tục diễn biến tiêu cực trong những phiên giao dịch đầu tháng 10. Chứng khoán Việt Nam đã rơi vào nhóm 8 thị trường giảm mạnh nhất thế giới trong tháng 9…
VNDirect lưu ý rủi ro giảm đối với thị trường bao gồm lạm phát tại Mỹ giảm chậm hơn so với dự kiến, Fed tăng lãi suất chính sách nhanh hơn dự kiến và đồng USD tiếp tục mạnh lên, gây thêm áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam, lãi suất và dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Về chiến lược đầu tư, nhóm phân tích của VNDirect cho rằng lãi suất có thể tiếp tục tăng trong những quý tới, do đó, các nhà đầu tư nên duy trì sự thận trọng và cân nhắc dịch chuyển chiến lược đầu tư sang nắm giữ cổ phiếu giá trị và chi trả cổ tức cao.
Vấn đề lãi suất cũng được VDSC lưu ý trong báo cáo phân tích của mình. Cụ thể, trong nước, mặt bằng lãi suất tại các NHTM sẽ trong xu hướng tăng trong thời gian tới, khi mà không gian chính sách tiền tệ khá hạn hẹp trước các biến động khó lường từ thế giới và ảnh hưởng ngắn hạn của Nghị định 65/2022 về việc phát hành trái phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân. Ngoài ra, VDSC dự báo tăng trưởng lợi nhuận trong quý 3/2022 của các doanh nghiệp vẫn khả quan so với cùng kỳ song tốc độ tăng đã giảm đáng kể so với quý 2/2022. Vì vậy, sẽ chưa tạo nhiều động lực cải thiện cho thị trường.
“Trong kịch bản cơ sở, chúng tôi kỳ vọng VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1050 – 1150”, VDSC dự báo.
Nhóm phân tích này khuyến nghị duy trì vị thế phòng thủ với sự cân bằng giữa cổ phiếu và tiền mặt. Với mục tiêu ngắn hạn, nhà đầu tư có thể hướng đến những cổ phiếu đã giảm giá sâu và triển vọng kết quả kinh doanh quý 3 và quý 4 khả quan.
Còn theo ACBS, sau một năm 2021 tăng trưởng với VN-Index tăng gần 36%, thì 2022 là một năm đầy thách thức cả trong nước và quốc tế khi niềm tin nhà đầu tư bị suy giảm, mặc dù nền kinh tế Việt Nam đã ghi nhận những con số tăng trưởng tích cực. Điều này dẫn đến VN-Index giảm 22,8% xuống 1.157 điểm vào cuối tháng 9/2022.
Bất chấp sự điều chỉnh của thị trường trong thời gian qua, nhóm phân tích của ACBS vẫn lạc quan về triển vọng cơ bản đối với thị trường Việt Nam. Lợi nhuận nửa đầu năm tăng mạnh, tăng trưởng tổng thể 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái và kỳ vọng cả năm 2022 sẽ đạt mức tăng trưởng 20%, dẫn đến VN-Index giao dịch ở mức P/E cuối tháng 9 là 12,5 và P/E dự phóng năm 2022 là 11,2. Điều này cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam đang giao dịch ở mức rẻ nhất trong khu vực ASEAN.
ACBS đã điều chỉnh kỳ vọng cho quý cuối cùng của năm khi có thể thấy rõ rằng thị trường đang trong giai đoạn suy giảm tâm lý khi đối mặt với các sự kiện bên trong và bên ngoài. Mặc dù có vẻ như số liệu lạm phát có thể đã đạt đỉnh ở nhiều thị trường do giá một số mặt hàng chủ chốt đang giảm xuống, nhưng lo ngại lạm phát và các hành động tích cực của ngân hàng trung ương dự kiến sẽ tiếp tục cho đến ít nhất là cuối năm, gây áp lực lên tâm lý ngắn hạn.
Nhóm phân tích này kỳ vọng thị trường sẽ bình thường hóa vào năm 2023 với kỳ vọng mức định giá sẽ trở lại mức lịch sử, tuy nhiên thời gian còn lại của năm sẽ tiếp tục giao dịch quanh mức định giá kể từ khi thị trường chuyển sang tháng 4 khi tâm lý mờ nhạt.
Riêng phiên 3/10, áp lực bán gia tăng trên diện rộng cùng thanh khoản giảm mạnh khiến VN-Index mất 45,67 điểm và lập đáy mới của hơn 1,5 năm qua tại mốc 1.086 điểm. Chỉ số chính sau đó ghi nhận thêm 1 phiên giảm điểm nữa trước khi bật tăng 26 điểm, lấy lại ngưỡng 1.100 điểm trong phiên 5/10 nhờ lực cầu bắt đáy nhập cuộc.
Với nhiều phiên giảm sốc, chứng khoán Việt Nam đã rơi vào nhóm 8 thị trường giảm mạnh nhất thế giới trong tháng 9. Vốn hóa HoSE bị thổi bay hơn 588.000 tỷ đồng (xấp xỉ 25 tỷ USD) chỉ trong một tháng, về khoảng 4,5 triệu tỷ đồng.
Báo cáo chiến lược thị trường tháng 10 của Chứng khoán VNDirect đánh giá định giá thị trường hiện tại thậm chí còn thấp hơn so với giai đoạn 2017 – 2019 khi mặt bằng lãi suất huy động ở mức cao hơn hiện nay (lãi suất huy động trung bình 12 tháng ở mức 7%).
Tổng Hợp