Tăng lãi suất là một trong những công cụ siết dòng tiền vào lĩnh vực bất động sản. Nếu lãi suất thấp, người dân có xu hướng rút tiền đổ vào bất động sản để tìm kiếm mức lợi nhuận tốt hơn.
Nhưng nếu lãi suất cao, ngược lại, người dân sẽ gửi tiền vào ngân hàng, dòng tiền vào bất động sản hạn chế. Mặt khác, lãi suất cho vay tăng, nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính không có khả năng trả nợ sẽ buộc phải bán cắt lỗ.
Việc tiếp cận vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài cũng gặp trở ngại khi phía đối tác đánh giá hành lang pháp lý chưa ổn do thủ tục dự án kéo dài. Hiện có 4 kênh huy động vốn là từ khách hàng, trái phiếu cổ phiếu, quỹ đầu tư (trong nước, ngoài nước) và tín dụng từ ngân hàng, nhưng đến nay các nguồn này đều vướng. Nguồn vốn đóng vai trò huyết mạch với hoạt động của doanh nghiệp bất động sản nên cần sớm được khơi thông.
TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế nhận định, thời điểm cách đây hơn 10 năm, khi lạm phát tăng cao, lãi suất cũng được đẩy lên. Kịch bản xảy ra, đó là nhiều đại gia bất động sản “ngã ngựa” vì không thể chịu nổi việc trả lãi cho ngân hàng, thị trường sụt giảm mạnh về thanh khoản. Thế nên, việc tăng lãi suất sẽ tác động mạnh nhất đến nhóm các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính.
Không chỉ với khách hàng, mà doanh nghiệp bất động sản cũng là đối tượng chịu nhiều khó khăn và rủi ro khi tăng lãi suất. Doanh nghiệp hoạt động chủ yếu dựa trên nguồn vốn đi vay ngân hàng, trong khi người mua nhà cũng phải vay tiền, nên ngành này sẽ chịu tác động kép.
Lâu nay, người mua nhà để ở hay để đầu tư thường dùng đòn bẩy tài chính khá nhiều. Vì vậy, động thái tăng lãi suất mới đây của ngân hàng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý cũng như quyết định mua nhà của nhiều khách hàng.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh lãi suất tái cấp vốn là 5%/năm, tăng 1%/năm so với quy định cũ. Lãi suất tái chiết khấu là 3,5%/năm, tăng 1%/năm so với quy định cũ. Ngoài ra, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tăng 1%/năm, lên 6%/năm. Như vậy, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng đã tăng 1%/năm so với quy định cũ.
Nếu lãi suất thả nổi mà tăng cao thì số tiền phải trả hàng tháng sẽ vượt khả năng của nhiều khách hàng. Không chỉ lãi suất vay tăng, mà muốn vay được cũng cần chờ lâu. Lãi suất ngân hàng tăng sẽ ảnh hưởng tới thanh khoản cũng như dòng tiền đầu tư của các lĩnh vực, đặc biệt là bất động sản, bởi đây là kênh sử dụng đòn bẩy tài chính rất lớn.
Tổng Hợp