Thông báo mới nhất của FTSE Russell cho biết Việt Nam sẽ vẫn ở lại nhóm thị trường cận biên (Frontier) và tiếp tục nằm trong danh sách theo dõi thị trường mới nổi loại 2 (Secondary Emerging market). Với việc thiếu nhiều tiêu chí, Việt Nam sẽ phải chờ đến tháng 3 năm sau để có cơ hội chính thức nâng hạng thị trường mới nổi…
Trước khi tìm hiểu nâng hạng thị trường chứng khoán là gì, nhà đầu tư cần biết có bao nhiêu loại thị trường. Các thị trường trên thế giới được phân loại vào 3 nhóm chính, từ thấp đến cao là:
Thị trường Cận biên (Frontier Market),
Thị trường Mới nổi (Emerging Market),
Thị trường Phát triển (Developed Market).
Xếp hạng Thị trường Chứng khoán Việt Nam đang ở top thấp nhất là Thị trường Cận biên (Frontier Market). Nâng hạng thị trường chứng khoán là việc một thị trường chứng khoán của một quốc gia được nâng hạng theo đánh giá tổ chức xếp hạng uy tín. Thị trường được nâng hạng này đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí xếp hạng thị trường tương ứng và thông qua bước xét duyệt, đánh giá của tổ chức xếp hạng.
Theo FTSE Russell, Việt Nam đã được cho vào danh sách theo dõi thị trường mới nổi loại 2 từ tháng 9/2018, tiến độ có phần chậm hơn dự kiến do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được tiêu chí “Chu kỳ thanh toán (DvP)” khi đang bị xếp ở mức “hạn chế” do các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác kiểm tra trước các giao dịch để đảm bảo các điều kiện tài chính khi giao dịch được thực hiện. Từ đó, đã kéo theo việc không có giao dịch thất bại xuất hiện trên thị trường Việt Nam, nên tiêu chí “Thanh toán bù trừ, chi phí khi xảy ra giao dịch thất bại” cũng bị FTSE đánh giá “N/A”.
Không những thế, FTSE cho rằng Việt Nam cần cải thiện ở khâu đăng ký tài khoản, trong đó cần có những cơ chế tạo điều kiện hơn cho nhà đầu tư nước ngoài giao dịch chứng khoán đã hết room.
Như vậy, Việt Nam sẽ tiếp tục ở lại nhóm thị trường cận biên (Frontier) và nằm trong danh sách theo dõi thị trường mới nổi loại 2. FTSE đánh giá lại cơ hội chính thức nâng hạng thị trường mới nổi loại 2 của Việt Nam vào tháng 3/2023.
FTSE cho biết tiếp tục duy trì mối quan hệ mang tính xây dựng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Nhóm Ngân hàng thế giới và Ernst & Young, những tổ chức đang hỗ trợ chương trình cải cách cho thị trường.
Trong thông báo mới đây, Bộ Tài chính nhìn nhận vấn đề nâng hạng thị trường chứng khoán là một trong những mục tiêu lớn đang được hướng tới. Thực tế, việc nâng hạng thị trường đã được đưa vào Đề án “Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” và dự thảo Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030.
Thời gian qua, cơ quan quản lý đã, đang nỗ lực và đặt quyết tâm cao để thúc đẩy, rút ngắn lộ trình được nâng hạng của TTCK Việt Nam và đã đạt được một số thành quả nhất định.
“Hiện nay, dựa trên các tiêu chí mà các tổ chức xếp hạng yêu cầu, Việt Nam đã đạt được nhiều tiêu chí quan trọng, tuy nhiên vẫn còn nhiều tiêu chí cần có quyết tâm chung, sự phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn giúp thị trường sớm được nâng hạng trong thời gian tới”, Bộ Tài chính thông tin.
Từ tháng 4/2022, mục tiêu tiến tới nâng hạng thị trường chứng khoán lên Thị trường Cận biên được các cấp ban ngành quan tâm, trở thành mục tiêu quan trọng của nền kinh tế trong những năm tới. Lý do cần nâng hạng thị trường chứng khoán là gì? Tại sao đây lại trở thành mục tiêu cấp thiết?
Nâng hạng thị trường chứng khoán không chỉ có vai trò thu hút càng nhiều vốn đầu tư nước ngoài, thể hiện vị thế của kinh tế Việt Nam mà còn là đòn bẩy để toàn bộ nền kinh tế Việt Nam khắc phục những hạn chế và phát triển hơn.
Tổng Hợp