Với thị phần huy động vốn chiếm tới 45% thị trường, động thái tăng mạnh lãi suất của nhóm 4 ngân hàng này sẽ khiến mặt bằng lãi suất huy động toàn hệ thống tăng lên. Doanh nghiệp mong ổn định lãi suất cho vay để sản xuất, kinh doanh…
Ngay sau thông báo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng một loạt lãi suất điều hành, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động. Trong đó, lãi suất tiền gửi dưới 1 tháng và từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại nhiều ngân được niêm yết ở mức tối đa cho phép theo quy định mới là 0,5%/năm và 5%/năm.
Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI, việc tăng lãi suất điều hành vừa qua của NHNN nghiêng nhiều về hướng duy trì môi trường ổn đỉnh tỷ giá, hơn là kiểm soát lạm phát khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn ở trong tầm kiểm soát. Dư địa NHNN để tiếp tục tăng lãi suất điều hành là có khi lạm phát có thể sẽ cao hơn giai đoạn trước COVID-19 trong khi đó mặt bằng lãi suất vẫn thấp hơn mức trước COVID-19.
Chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động đi lên khó tránh lãi suất cho vay sẽ tăng, thậm chí, mặt bằng lãi suất cho vay có thể tăng khoảng 1 – 1,5% từ nay đến cuối năm 2022 để kiểm soát lạm phát đồng thời khẩn trương giúp Chính phủ thực hiện gói hỗ trợ kinh tế, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 2% với hạn mức 40.000 tỷ đồng.
Kỳ hạn 1 – 2 tháng được Vietcombank niêm yết ở mức 4,1%/năm; kỳ hạn 3 tháng là 4,4%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,4%/năm. Đối với tiền gửi trực tuyến, Vietcombank áp dụng mức lãi suất cao hơn với kỳ hạn 1 tháng ở mức 4,6%/năm; kỳ hạn 3 tháng áp sát mức trần cho phép là 4,9%/năm; kỳ hạn 6 – 9 tháng lần lượt là 5,3 – 5,4%/năm. Tại kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, Vietcombank áp dụng mức lãi suất lên tới 6,8%/năm. Như vậy, nếu khách hàng gửi tiền online tại Vietcombank, mức lãi suất nhận được sẽ cao hơn từ 1 – 1,3%/năm so với trước đó. Với góc độ là NHTM lớn, bà Phùng Thị Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc VietcomBank cho biết: Quyết định tăng lãi suất điều hành của NHNN ở thời điểm này phản ánh đúng với diễn biến thị trường và chính sách điều hành lãi suất của NHNN. Ngay sau khi nhận được quyết định điều chỉnh lãi suất của NHNN, Vietcombank triển khai ngay các giải pháp để thực hiện rà soát các loại lãi suất huy động vốn, để đảm bảo chính sách lãi suất của Vietcombank phù hợp chính sách của NHNN, phù hợp với diễn biến thị trường và kế hoạch kinh doanh của Vietcombank. Từ đó, đảm bảo nguồn vốn để cung ứng cho hoạt động tín dụng, phát triển nền kinh tế.
Với kỳ hạn 1 – 2 tháng, Agribank niêm yết mức 4,1%/năm; kỳ hạn 3 – 5 tháng là 4,4%/năm. Các mức lãi suất này vẫn thấp hơn trần quy đinh (5%/năm) song tăng khoảng 1%/năm so với trước đó. Tiền gửi không kỳ hạn cũng được nâng lên mức 0,3%/năm.
Tại VietinBank, lãi suất kỳ hạn 1 tháng – dưới 3 tháng của ngân hàng này đã tăng thêm 1% lên 4,1%/năm, lãi suất từ 3 tháng – dưới 6 tháng tăng lên 4,4%/năm. Với kỳ từ 12 tháng trở lên, ngân hàng này áp dụng mức lãi suất mới 6,4%/năm, cao hơn 0,8%/năm so với trước.
Theo ông Ngô Công Bình, Trưởng nhóm chiến lược thị trường Công ty chứng khoán (CTCK) Công thương (VietinBank Securities) nhận định: Hiện lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại (NHTM) đang có xu hướng tăng trong gần đây, một số ngân hàng có mức huy động lên tới 7,5 – 7,8% như: SCB, Đông Á, An Bình.
Tổng Hợp