Gần đây, thị trường xôn xao thông tin nông sản đạt chất lượng VietGAP với bao bì là rau củ Việt Nam nhưng thực chất có xuất xứ Trung Quốc, được bán ngoài chợ và cả hệ thống siêu thị lớn. Nhận cung cấp chứng nhận VietGAP, phí năm đầu 8 triệu đồng đầy trên mạng…
Thực tế, đây được cho là hoạt động vi phạm. Một đơn vị nếu vừa tư vấn và còn cấp chứng chỉ thì không thể đảm bảo tính khách quan cho sản phẩm. Điều này đã được nêu rõ tại khoản d, mục 1, Điều 22 về Trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức chứng nhận VietGAP trong Thông tư số 48/2012. Vậy nhưng, một số đơn vị vẫn coi đây như khuyến mại, để câu kéo khách hàng.
Ngoài ra, một số đơn vị còn quảng cáo thời hạn của giấy chứng nhận VietGAP lên tới 3 năm. Trong khi đó, theo quy định tại mục 1, Điều 17, Thông tư số 48/2012, giấy chứng nhận có hiệu lực tối đa chỉ 2 năm từ ngày cấp. Nếu muốn gia hạn, thì phải là trường hợp cơ sở sản xuất được cấp giấy chứng nhận nhưng không tiếp tục đăng ký cấp lại sau khi hết hạn, và thời gian tối đa cũng chỉ 3 tháng.
Theo Cục Trồng trọt, cả nước hiện có trên 40 tổ chức được cấp đủ điều kiện chứng nhận phù hợp VietGAP.
Khi tra thông tin mua chứng nhận VietGAP, sẽ tìm thấy nhiều kết quả khác nhau về những đơn vị cung cấp chứng nhận. Những đơn vị này quảng cáo thủ tục đơn giản, thậm chí còn có những gói ưu đãi cho các doanh nghiệp nếu đăng ký sớm.
Phí chứng nhận năm đầu tiên tại một số đơn vị thường chỉ từ 8 triệu đồng, có nhiều nơi lên tới hàng chục triệu đồng. Hiện tại chưa có khung giá cụ thể mà chi phí chứng nhận VietGAP là do các tổ chức, cá nhân đăng ký chứng nhận chi trả theo thỏa thuận với tổ chức chứng nhận VietGAP. Việc này đã được nêu tại mục 2, Điều 3, Thông tư số 48/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về chứng nhận sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được sản xuất, sơ chế phù hợp với Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.
Điều này đặt ra câu hỏi xoay quanh việc chứng nhận VietGAP có phải loại hàng hóa không khó để có thể có được? Theo quy định, có 3 đơn vị là Cục Trồng trọt, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Bộ Khoa học và Công nghệ được cấp giấy phép cho tổ chức chứng nhận sự phù hợp. Những tổ chức này sẽ đó sẽ cấp giấy chứng nhận VietGAP cho doanh nghiệp.
Cụ thể, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… muốn chứng nhận sản phẩm được sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn VietGAP sẽ đăng ký với các tổ chức chứng nhận sự phù hợp. Sau khi kiểm tra thấy doanh nghiệp đủ điều kiện, những đơn vị này sẽ cấp cho các doanh nghiệp giấy chứng nhận sản phẩm sản xuất theo quy trình VietGAP.
Với riêng chứng nhận VietGAP trồng trọt, có nhiều điều kiện liên quan đến kỹ thuật sản xuất, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, nguồn gốc… Thủ tục để nhận cũng tương đối phức tạp, bài bản như phải khảo sát điều kiện, lấy mẫu đất, nước, đào tạo kiến thức về VietGAP, đánh giá…
Theo ông Phan Phương Nam, Phó khoa Luật Thương mại, Đại học Kinh tế TPHCM, nhận định tình trạng rao bán chứng nhận VietGAP là nguy hiểm.
Việc “đội lốt” hàng hóa đạt chuẩn VietGAP, bán giá “trên trời”, đưa vào những nơi bán hàng vốn được tin tưởng như các siêu thị sẽ gây mất lòng tin với người tiêu dùng.
“Nguy hiểm nhất là họ sẽ không còn coi chứng chỉ đó là “bảo chứng” cho hàng hóa đảm bảo an toàn. Việc này sẽ gây khó khăn trong vấn đề quản lý, phân loại hàng hóa”, ông nói.
Việc cấp chứng nhận VietGAP cẩu thả, không đúng quy định, theo ông Nam, chính là hành vi gian lận thương mại, khi hợp thức hóa các sản phẩm vốn chưa biết có đạt chuẩn hay không.
Nếu không đảm bảo đúng quy trình của rau củ mà chỉ “đội lốt” chứng nhận VietGAP để đưa vào siêu thị thì ông Phan Phương Nam cho rằng cũng là hành vi mua bán lòng tin, và gây ảnh hưởng liên đới tới nhiều phía.
Tổng Hợp