Sau hơn một năm, nhiều cây lan có giá tiền tỉ, trăm triệu đồng đã rớt giá thảm hại, xuống mức giá vài triệu, vài trăm ngàn đồng. Giá rớt hết đáy này đến đáy khác, nhiều cây lan đột biến có giá còn thấp hơn các loại lan công nghiệp.
Đến nay, chưa có đơn vị nào đứng ra đánh giá giá trị thật của lan đột biến. Giá của cây lan phụ thuộc vào sự trao đổi, thỏa thuận giữa người mua và người bán. Điều này là một trong những nguyên nhân khiến nhiều đối tượng tìm cách đẩy giá ảo.
Trước những thương vụ mua bán lan đột biến tiền tỷ gây xôn xao dư luận, Tổng cục Thuế từng phải “vào cuộc”, bằng cách đưa ra hàng loạt quy định để thu thuế, quản lý hoạt động này.
Cụ thể, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai việc nắm bắt tình hình về các giao dịch mua bán lan đột biến trên địa bàn, đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên ngành để xác minh thực tế và xử lý quản lý thuế theo đúng quy định.
Hay công an tại nhiều tỉnh cũng ra khuyến cáo người dân cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin về giá cả, mặt hàng trước âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng lợi dụng hoạt động mua bán lan đột biến gen nhằm mục đích trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hiện rất nhiều người chơi lan đột biến cố gắng gỡ được đồng nào hay đồng nấy bằng những cuộc đấu giá trên Facebook nhưng không mấy hiệu quả. Anh Duy Phạm, một chủ vườn lan ở TP Quảng Ngãi, bỏ vườn lan đi làm việc khác.
“Tôi chỉ tưới nước và chăm như thú vui. Với giá lan hiện tại, tiền phân thuốc còn cao hơn cả tiền bán chậu lan”, anh Duy Phạm nói.
Hiện tại, giới chơi lan đột biến không còn đo centimet tính tiền như trước mà bán kie. Những cây từng có giá từ vài chục đến cả trăm triệu đồng/cm như Hồng Á Hậu, Hồng Minh Châu, năm cánh trắng Bạch Tuyết… có giá vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng/kie.
Còn loại thời đỉnh điểm có giá chục tỉ đồng/kie như Cờ Đỏ, Bảo Duy, Đôi mắt Pleyku… giờ rao bán với giá vài chục triệu đồng cũng không ai hỏi. Những cây “quốc dân” như Phú Thọ, Hiển Oanh… giá chỉ vài ngàn đồng/cm hoặc vài chục đến vài trăm ngàn đồng/chậu to thành phẩm.
Nhiều “tay to” được nhận định thu lợi ngàn tỉ từ bong bóng lan đột biến, nay đã chặn người không phải bạn bè bình luận vì liên tục nhận những lời lẽ không hay. Nhiều người chơi đã chấp nhận sự thật lan đột biến đã sập giá, nhiều người vẫn nấn ná niềm tin vì thua quá nhiều. Nhưng việc hoa này ra đường bán giá bình dân, lan đột biến khó lòng tăng vọt trở lại.
Thị trường kinh doanh lan đột biến những tháng đầu năm 2020 đã chứng kiến những cơn “nhảy múa” giá với các giao dịch được quảng cáo là lên đến hàng tỷ, chục tỷ, thậm chí cả trăm tỷ đồng.
Tuy nhiên, với việc vào cuộc của các cơ quan chức năng, “cơn sốt” nhanh chóng hạ nhiệt. Sự đóng băng của thị trường lan đột biến dẫn đến mất giá, ảnh hưởng mạnh đến cuộc sống của những người chơi lan, đặc biệt những người đi vay nợ, cầm cố để mua cây ở thời điểm giá thổi cao nhất. Thị trường ghi nhận tình trạng chạy đua bán tháo, cắt lỗ. Không ít người cũng mất nhà, xe, thậm chí là phá sản khi bỏ tiền thật, rước lan “rởm” về chơi.
Trên mạng xã hội mới đây lan truyền bức ảnh bán lan đột biến ở sạp ngoài đường với giá cũng đột biến, nhưng là đột biến giảm mạnh từ giá “trên trời” xuống còn 50.000-100.000 đồng.
Tại ngã tư công viên Cầu Trắng (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM), anh Võ Thanh Rin, một người chơi lan đột biến, đã mang nhiều cây hoa ra đường bán.
“Tôi bán những loại lan đột biến như năm cánh trắng Phú Thọ, năm cánh trắng Hiển Oanh… với mức giá vài trăm ngàn đồng/chậu, có hoa để ai cũng có thể mua về chăm sóc”, anh Rin cho biết.
Tổng Hợp