Ngay sau khi quyết định tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có hiệu lực, hàng loạt ngân hàng TMCP tư nhân đã tăng đáng kể lãi suất huy động. Ngân hàng nhỏ nâng lãi suất huy động kịch trần, Big 4 vẫn giữ ổn định lãi suất…
Theo dự báo của Chứng khoán VNDirect, lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 0,3 – 0,5 điểm % trong những tháng cuối năm 2022, đưa lãi suất tiền gửi bình quân cho kỳ hạn 12 tháng tăng lên mức 6,1-6,3%/năm vào cuối năm 2022. Dù vậy, mức lãi suất này vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7%/năm.
Sang năm 2023, VNDirect cho rằng đà tăng lãi suất tiền gửi sẽ duy trì do NHNN tăng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá, đồng thời ngân hàng thương mại tăng nhu cầu huy động vốn để tài trợ cho hoạt động cho vay trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ.
Nhóm phân tích dự báo, lãi suất huy động có thể tăng thêm 50 điểm cơ bản trong năm 2023, theo đó, lãi suất bình quân đối với tiền gửi kỳ hạn 12 tháng sẽ tăng lên mức 6,6-6,8%/năm vào cuối năm 2023.
NHNN vừa tăng 1% với một loạt lãi suất điều hành. Lần tăng này đã bù lại hai trong số 3 lần cắt giảm 50 điểm cơ bản được thực hiện đối với lãi suất tái cấp vốn và chiết khấu vào năm 2020 để hỗ trợ khi nhu cầu suy yếu do COVID-19.
Tuy nhiên, lãi suất điều hành vẫn thấp hơn 100 điểm cơ bản so với mức trước đại dịch.
Trong số ngân hàng lớn, ACB là ngân hàng đầu tiên nâng lãi suất huy động kỳ hạn ngắn lên mức chạm trần với gói tiết kiệm Tài lộc, với kỳ hạn 1- 3 tháng với lãi suất 5%/năm (riêng kỳ hạn 1 tháng với tiền gửi dưới 100 triệu đồng là 4,9%/năm). Lãi suất huy động các kỳ hạn dài trên 6 tháng cũng được ACB đồng loạt tăng từ 0,3 – 0,5 điểm %. Trong đó, lãi suất cao nhất mà ngân hàng niêm yết đã lên tới 7,3%/năm áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng đối với khách hàng ưu tiên và 7,2%/năm cho khách hàng thường (kỳ hạn 36 tháng).
Còn lại, các ngân hàng đưa lãi suất huy động lên kịch trần đa phần là ngân hàng nhỏ, thanh khoản khó khăn.
Cụ thể, KienlongBank vừa công bố biểu lãi suất mới, trong đó với các kỳ hạn từ 1 – 5 tháng, mức lãi suất huy động sau điều chỉnh tăng kịch trần lên đến 5% so với mức 4% ở chu kỳ trước. Đáng chú ý hơn, với các khoản tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng, KienlongBank cũng điều chỉnh tăng 0,3%, lên đến 0,5%.
Tại Ngân hàng SCB, mức lãi suất áp dụng cho kỳ hạn 1 tháng là 4,9%/năm; các kỳ hạn 2 – 5 tháng là 5%/năm. Ngân hàng này áp dụng mức lãi suất cao nhất cho tất cả các kỳ hạn trên 12 tháng là 7,3%/năm, không giới hạn số tiền gửi.
Tương tự, VietCapital Bank cũng nhanh chóng áp dụng mức trần lãi suất 0,5% cho kỳ hạn dưới 1 tháng; 5% cho các kỳ hạn 1 – 5 tháng; Ngân hàng này cũng là một trong những ngân hàng có biểu lãi suất các kỳ hạn dài tương đối cao: 7,3%/năm đối với kỳ hạn 12 – 18 tháng và 7,5%/năm với kỳ hạn 24 tháng, áp dụng cho tiền gửi online.
Tại BacABank, các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng cũng dao động trong khoảng 4,5 – 4,8%/năm. Mức lãi suất 7,2%/năm được nhà băng này áp dụng cho các kỳ hạn 13, 15, 18, 24 và 36 tháng, lãi lĩnh cuối kỳ…
Riêng khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (Big 4) – chiếm gần 50% thị phần huy động toàn hệ thống – vẫn giữ ổn định mặt bằng lãi suất.
Nhiều khả năng, tuần tới, thị trường sẽ chứng kiến thêm nhiều ngân hàng thương mại điều chỉnh lãi suất huy động song mặt bằng lãi suất chung của thị trường sẽ không biến động quá mạnh. Lý do là khối Big 4 vẫn đang cố neo giữ lãi suất ổn định. Bên cạnh đó, cơ chế thưởng phạt room tín dụng cũng khiến các ngân hàng khó đua lãi suất cao.
Tổng Hợp