Sự thay đổi này được đánh giá là phù hợp với các quy định tại Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp cũng như thông lệ quốc tế, được cộng đồng doanh nghiệp rất hoan nghênh và là cơ sở quan trọng để thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, từ đó đóng góp tích cực hơn vào việc truyền dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.
Dự thảo mới cũng đưa ra hướng dẫn cụ thể về phương thức xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp, nên số lượng nhà đầu tư đáp ứng tiêu chí dự báo sẽ giảm khá nhiều so với trước đây, đồng thời các công ty chứng khoán cũng khó có thể xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp theo tiêu chí danh mục đầu tư như trước nếu chưa xây dựng hệ thống tính toán và lọc tự động.
Trên thực tế, ở các thị trường phát triển, tiêu chí nhà đầu tư chuyên nghiệp đa dạng và linh hoạt hơn, bao gồm cả các tiêu chí về kinh nghiệm và thời gian làm việc của cá nhân đó trên thị trường chứng khoán (công việc liên quan trực tiếp đến giao dịch chứng khoán quy mô lớn), số lượng giao dịch hàng quý…
Cá nhân chỉ cần đạt một trong các tiêu chí này sẽ được xác định là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan soạn thảo cần bổ sung thêm các tiêu chí theo hướng đa dạng hơn để tăng khả năng tiếp cận cơ hội đầu tư trái phiếu cho nhà đầu tư.
Hay như nội dung “kế hoạch phát hành trái phiếu”, mặc dù quy định mới tăng khối lượng công việc và hồ sơ phát hành trái phiếu, nhưng với một thị trường đang trong giai đoạn phát triển như thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam, việc bảo vệ nhà đầu tư và bảo đảm thị trường phát triển ổn định, bền vững cần được ưu tiên hàng đầu. Do vậy, việc đưa thêm một số điều kiện để làm rõ chất lượng của tổ chức phát hành như năng lực tài chính, xếp hạng tín nhiệm, định giá tài sản bảo đảm… là cần thiết.
Trong đó, dự thảo mới quy định, tổ chức phát hành phải có đánh giá xếp hạng tín dụng bắt buộc trong 2 trường hợp: Một là tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 12 tháng lớn hơn 500 tỷ đồng và 50% vốn chủ sở hữu; hai là tổng số trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành khi đăng ký phát hành mới lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu.
Thực tế, việc xếp hạng tín nhiệm tổ chức phát hành đã được nghiên cứu từ lâu và được đề xuất đưa vào các dự thảo trước đây. Yêu cầu xếp hạng tín nhiệm làm gia tăng thời gian và chi phí của tổ chức phát hành, nhưng là cần thiết đối với những thương vụ phát hành quy mô lớn, cũng là một thông lệ được áp dụng rộng rãi tại các thị trường phát triển.
Sự tham gia của một đơn vị thứ ba độc lập là tổ chức xếp hạng tín nhiệm giúp tăng tính minh bạch, tạo cơ sở để nhà đầu tư có căn cứ định giá và xác định khẩu vị rủi ro của trái phiếu, đặc biệt với các nhà đầu tư cá nhân.
Ở nội dung “kỳ hạn phân phối trái phiếu”, thời gian phân phối được rút ngắn xuống không quá 30 ngày kể từ ngày được cơ quan quản lý chấp thuận, thay vì 90 ngày như trước đây.
Theo đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (mã HDG), quy định mới một mặt giúp giảm thời gian chào bán và phân phối trái phiếu, nhất là với những trái phiếu phát hành nhiều đợt, phù hợp với mục đích đầu tư dự án vốn có đặc điểm là thời gian triển khai kéo dài, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa dòng vốn giải ngân, nhưng mặt khác có thể gây khó khăn và làm tăng chi phí vốn, đồng thời phần nào hạn chế thời gian tiếp cận thông tin trái phiếu mới của nhà đầu tư.
Hiện nay, trên thị trường thứ cấp, nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hầu hết phải nắm giữ đến ngày đáo hạn. Giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận và các nhà đầu tư tự do giao dịch.
Thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chưa có tổ chức đầu mối nên khó quản lý, giám sát và nhà đầu tư còn thiếu thông tin, cơ sở hạ tầng để giao dịch khi có nhu cầu.
Do đó, sự tham gia của một cơ quan chức năng như Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) là cần thiết để đưa thị trường giao dịch tự do thành thị trường giao dịch có tổ chức nhằm tăng cường quản lý, giám sát và tăng tính công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.
So với những lần trước, dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 153 lần này có sự thay đổi theo hướng “dễ thở” hơn… Chẳng hạn, về nội dung “mục đích phát hành trái phiếu”, dự thảo lần thứ 7 này không đặt ra hạn chế sử dụng vốn trái phiếu, bao gồm các mục đích góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp hay cho doanh nghiệp khác vay vốn.
Tổng Hợp