Từ hôm nay (23/9), Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng lãi suất điều hành mới. Sau gần 2 năm, trần lãi suất huy động, lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn… được điều chỉnh tăng. Nỗi lo lãi suất cho vay tăng và biến số khó đoán…
Với mặt bằng lãi suất thấp và tỷ giá ổn định từ trước đó, các doanh nghiệp tận dụng nhiều đòn bẩy tài chính có lợi thế hơn nhóm có tình hình tài chính dựa chính vào vốn tự có. Tuy nhiên, biến động tỷ giá có thể tác động mạnh đến kết quả kinh doanh tới đây của các doanh nghiệp dựa nhiều vào vốn vay ngoại tệ.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng Việt Nam khó giữ được mặt bằng lãi suất thấp trong bối cảnh Fed liên tục tăng lãi suất. Đồng USD, thực tế đã ngày càng mạnh lên từ khi Fed chưa tăng lãi suất, đồng Việt Nam mất giá là điều khó tránh khỏi.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện tăng lên 3,51%/năm. Còn lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm cũng ở vùng cao nhất 15 năm trở lại đây, đạt 4,02%/năm. Lợi suất cao hơn giúp củng cố đồng bạc xanh và khiến giới đầu tư có xu hướng đem USD về Mỹ đầu tư. Điều này khiến các đồng tiền khác giảm mạnh. Việt Nam cũng diễn ra tình trạng bán VND để thu USD. Đối ứng, Ngân hàng Nhà nước đã bán hơn 20 tỷ USD dự trữ ngoại tệ từ đầu năm, ông Phục cho hay.
Đồng Việt Nam từ đầu năm mất giá khoảng 3,8%. Theo ông Phục, mức này thuộc dạng mất thấp trong nhóm đồng tiền của khu vực và thế giới. Ông cho rằng Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất huy động, nhưng không thể hoàn toàn chặn đứng mà chỉ góp phần giúp tiền đồng đỡ mất giá.
Tỷ giá USD/VND dù đã được “kìm cương” bằng các động thái bán ngoại tệ, áp lực tỷ giá trong tương lai vẫn còn, khi Fed tiếp tục tăng lãi suất. Ông Phục cho rằng VND có thể mất giá thêm 1-2% cho tới cuối năm.
Theo ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận định mức tăng lãi suất lần này không mạnh.
“Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành và chưa tăng trong một thời gian dài”, ông nói. Việc tăng lãi suất điều hành, theo ông Thành, cũng là cách giảm áp lực lên tỷ giá hiện nay.
Loạt lãi suất điều hành được nâng lần này gồm trần lãi suất huy động, lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn… Thực tế, tác động của việc tăng lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu là không lớn, song việc nâng trần lãi suất huy động lại ảnh hưởng trực tiếp tới ngân hàng và khách hàng. Giới chuyên gia cùng nhận định lãi suất cho vay theo đó có thể sẽ tăng.
Dù vậy, theo ông Võ Trí Thành, vẫn có thể lạc quan khi Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm qua (22/9) đã chỉ đạo phải giữ ổn định lãi vay. “Cần tập trung ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ cho quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp”, ông Thành nói. Việc này cũng phù hợp mục tiêu linh hoạt cơ cấu tín dụng, nhưng vẫn giữ nguyên mức tăng trưởng 14% cho năm nay.
Trong trường hợp vẫn lo tăng lãi suất huy động ảnh hưởng đến lãi vay và tác động xấu tới người dân, doanh nghiệp, ông Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể vừa tăng lãi suất huy động và trong trường hợp cần thiết vẫn có thể bán ngoại tệ để ổn định tỷ giá hối đoái.
Tổng Hợp