Vai trò của USD với tư cách đồng tiền chủ đạo trong thương mại và tài chính toàn cầu đồng nghĩa với việc sự biến động tỷ giá của đồng tiền này có ảnh hưởng sâu rộng.
Đối với Mỹ, đồng USD mạnh đồng nghĩa với hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ rẻ hơn, trợ giúp cho nỗ lực chống lạm phát của Fed, đồng thời mang lại sức mua tương đối cao hơn cho người tiêu dùng Mỹ. Tuy nhiên, đối với phần còn lại của thế giới, sự tăng giá của đồng USD gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực – Wall Street Journal cho hay.
“Tôi nghĩ bây giờ mới chỉ là giai đoạn đầu”, giáo sư tài chính Raghuram Rajan của Trường Kinh doanh Booth, Đại học Chicago nhận định. Khi còn giữ vai trò Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBA) trong thập kỷ qua, ông Rajan đã phê phán việc chính sách của Fed và đồng USD mạnh có ảnh hưởng như thế nào đến phần còn lại của thế giới.
“Chúng ta sẽ phải ở trong chế độ lãi suất cao một thời gian. Mức độ dễ tổn thương vì thế sẽ gia tăng”, ông nhận định.
Hôm thứ Năm tuần trước, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo rằng nền kinh tế toàn cầu đang trượt dần vào suy thoái và “một loạt cuộc khủng hoảng tài chính tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ gây ra tổn thất lâu dài”.
Tuần này, giới đầu tư toàn cầu đón đợi kết quả cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để tìm kiếm những tín hiệu mới về đường đi của tỷ giá USD. Theo dự báo, vào ngày thứ Tư, Fed sẽ đưa ra quyết định tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm để chống lạm phát, và bước nhảy lãi suất này có khả năng sẽ kích đồng USD tăng giá lên cao hơn.
Trong một dấu hiệu đáng lo ngại, nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách ở Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu nhằm bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ về cơ bản đã thất bại trước sự tăng giá “không biết mệt” của đồng bạc xanh.
Sự tăng giá của đồng USD trong năm nay là hệ quả của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất quyết liệt để chống lạm phát. Việc Fed tăng lãi suất khuyến khích nhà đầu tư trên toàn cầu rút tiền khỏi các thị trường khác để đầu tư vào các tài sản Mỹ vì các tài sản này đang mang lại lợi suất cao hơn. Các số liệu kinh tế gần đây cho thấy lạm phát ở Mỹ vẫn cao dai dẳng, củng cố khả năng Fed tiếp tục nâng lãi suất và đồng USD còn tăng giá nữa.
Triển vọng kinh tế u ám của phần còn lại nền kinh tế toàn cầu cũng là một nhân tố khiến sức tăng giá của đồng USD càng thêm mạnh. Châu Âu đang ngấp nghé bờ vực suy thoái vì cuộc khủng hoảng năng lượng bắt nguồn từ chiến tranh Nga-Ukraine. Kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc mạnh nhất trong nhiều năm do thị trường địa ốc chìm sâu trong khủng hoảng.
Thông điệp này của WB làm gia tăng mối lo ngại rằng áp lực tài chính đang lan rộng đối với các thị trường mới nổi, chứ không chỉ nằm ở những mắt xích vốn bị coi là yếu như Sri Lanka và Pakistan – những nước đã phải tìm kiếm sự giúp đỡ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Tuần trước, Serbia trở thành quốc gia mới nhất bước vào đàm phán với IMF.
Tổng Hợp