Để thu hút nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ mua TPDN, nhiều công ty tài chính (sau khi mua TPDN) đã “xé lẻ” lô lớn rồi bán lại dưới hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư. Phía sau số lượng trái phiếu phát hành thành công là những chiêu “lách luật” của đơn vị môi giới, bát nháo thị trường trái phiếu…
Trong vai người dân muốn gửi tiết kiệm 200 triệu đồng, PV Tiền Phong được Nguyễn Thị Ngọc T – nhân viên một ngân hàng TMCP trên đường Ngô Thì Nhậm (Hà Nội) tư vấn, mua TPDN lãi suất tốt hơn so với gửi tiết kiệm thông thường.
Miệng nói, tay T xòe cho chúng tôi bộ hồ sơ mua TPDN, gồm: Hợp đồng mua bán trái phiếu; Hợp đồng môi giới bán trái phiếu; Đề nghị chuyển nhượng Trái phiếu Cty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông (Cty An Đông).
Trong Hợp đồng mua bán trái phiếu chị T cung cấp, bên bán là Cty CP chứng khoán Tân Việt (TVSI), bên mua là PV Tiền Phong. Dù PV Tiền Phong đã nhấn mạnh, chưa bao giờ đầu tư TPDN, song chị T cho biết, chỉ cần thông tin cá nhân (căn cước công dân, số điện thoại…) là có thể mở tài khoản lưu ký chứng khoán của TVSI tại phòng giao dịch ngân hàng. Sau đó, khách hàng sẽ được ký hợp đồng mua TPDN.
Theo hợp đồng này, trái phiếu do Cty An Đông phát hành dưới hình thức bút toán ghi sổ. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và không có bảo lãnh thanh toán. Lãi suất năm đầu tiên cố định 11%. TVSI bán trái phiếu cho bên mua với số lượng theo yêu cầu. Theo hợp đồng với khách hàng do chị T cung cấp, giá mỗi trái phiếu là 100.162 đồng.
Để thuyết phục PV Tiền Phong, chị T tiếp tục tư vấn ưu điểm của TPDN An Đông rằng, lãi suất 12 tháng tới 9%. Khi tất toán trước thời hạn, lãi suất trái phiếu sẽ linh hoạt theo thời hạn 3-6-9 tháng.
“Doanh nghiệp phát hành trái phiếu bên ngân hàng đã kiểm định. Sản phẩm này lãi suất tốt hơn tiết kiệm, linh hoạt khi tất toán”, T nói. T cũng không úp mở khi nói rằng, doanh nghiệp không được bán trực tiếp cho cá nhân và phải thông qua công ty chứng khoán. Vì vậy, trên giấy chứng nhận sẽ ghi quyền sở hữu trái phiếu thuộc về TVSI và Cty An Đông.
Đáng lưu ý, lô trái phiếu mà T giới thiệu được phát hành ngày 10/9/2018 với số tiền huy động 3.000 tỷ đồng. Cùng ngày, công ty này còn phát hành 1 lô trái phiếu (ADC-2018.09) gần 12.000 tỷ đồng. Đầu năm 2019, công ty này tiếp tục phát hành một lô trái phiếu 10.000 tỷ đồng. Được biết, Cty An Đông là công ty con của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Tại nhiều phòng giao dịch ngân hàng, TPDN là một trong những sản phẩm được giao dịch viên chào mời người gửi tiết kiệm mua. Người mua TPDN sau 30 ngày nếu bán lại sẽ nhận ngay lãi suất.
Theo ông Trịnh Quang Anh – Chủ tịch Hội Nghiên cứu thị trường liên ngân hàng Việt Nam, sự tăng nhanh của thị trường TPDN một phần đến từ sự hợp tác giữa ngân hàng và DN. DN không tiếp cận được vốn vay ngân hàng chuyển sang phát hành TPDN. “DN đàm phán với ngân hàng về ưu đãi và được ngân hàng gợi ý mua TPDN. Ngân hàng tiếp tục giới thiệu để người dân đầu tư TPDN. Nhưng khổ nhất nhà đầu tư, bởi họ nghĩ rằng, TPDN được ngân hàng bảo lãnh và có bảo hiểm tiền gửi. Dường như đang có sự mập mờ, các kẽ hở này ở thị trường TPDN”, ông Quang Anh nói.
Hiện nay, chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được đầu tư TPDN. Theo quy định, cá nhân được xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi đáp ứng 1 trong các điều kiện: Có chứng chỉ hành nghề chứng khoán; Cá nhân nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng theo xác nhận của công ty chứng khoán…
Tuy nhiên, nhân viên các đơn vị, tổ chức môi giới bất chấp quy định, tìm đủ cách chèo kéo cá nhân mua TPDN với hình thức hợp tác đầu tư.
Người dân có nhu cầu gửi tiết kiệm đã bị giao dịch viên của nhiều ngân hàng chào mời mua TPDN với lợi thế lãi suất cao. Nhiều người không biết TPDN là gì nhưng nghe lãi suất cao hơn liền bị mê hoặc, bất chấp rủi ro…
Một trong những kênh bán TPDN sôi động hiện nay là qua ngân hàng. Tại phòng giao dịch của nhiều ngân hàng, khi người dân đến gửi tiết kiệm liền được nhiều nhân viên mời mua TPDN với ưu thế lãi suất cao.
Tổng Hợp