Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, thời hạn sở hữu nhà chung cư có thể được xác định theo thời hạn sử dụng của công trình hoặc theo quy định hiện hành. Với phương án nào thì cũng đều đang hướng đến mục tiêu tăng trưởng ổn định cho thị trường bất động sản. Nếu quy định về sở hữu có thời hạn nhà chung cư được thông qua, có thể vô tình đẩy giá đất nền lên cao.
Rất cần một cách tiếp cận thấu đáo, có lộ trình cụ thể, đầy đủ phương án cho chủ sở hữu khi hết thời hạn sử dụng. Khi đó, thị trường bất động sản sẽ đa dạng hơn, mở ra nhiều cơ hội hơn cho khách hàng và các đơn vị phát triển nhà ở.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đề nghị, không bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư 50-70 năm vào dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Lý do là để phù hợp tâm tư, nguyện vọng của người dân muốn được sở hữu căn hộ nhà chung cư đi đôi với quyền sử dụng đất ở ổn định lâu dài, vì nhà là tài sản có giá trị lớn mà chủ sở hữu muốn để lại cho con cháu. Do đó, HoREA đề nghị không bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư như Điều 9 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Không đồng tình với đề xuất của Bộ Xây dựng, một bạn đọc (BĐ) cho biết: “Việc đưa thời hạn sử dụng vào quyền sử dụng nhà ở là không hợp lý vì: (1) Có chung cư cao cấp, thuộc công trình cấp I, thời hạn sử dụng 100 năm thì quy định 50 – 70 năm là không phù hợp; (2) Nhiều chung cư xây dựng từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước, nhưng do bảo quản tốt nên vẫn sử dụng bình thường sau gần 60 năm. Do đó, luật chỉ nên quy định cụ thể về công tác bảo trì, sửa chữa trong quá trình sử dụng hoặc phá dỡ khi khảo sát cho thấy công trình đang trong tình trạng nguy hiểm”.
Cùng ý kiến, BĐ tahienvu cho rằng: “Tôi không hiểu tại sao Bộ cứ tách chung cư ra như một sản phẩm xây dựng cá biệt, rồi loay hoay với việc niên hạn sử dụng làm gì. Cầu đường, nhà phố, cao ốc văn phòng… thì có niên hạn vĩnh viễn, riêng chung cư thì phải có thời hạn? Nhà đầu tư bán nhà kèm theo đất hay chỉ bán công trình xây dựng trên đất, sau bao nhiêu năm thì họ thu hồi đất để tái sử dụng…? Điều này sẽ quy định trong hợp đồng, nó là thỏa thuận dân sự giữa bên mua và bên bán…”.
Trong khi đó, BĐ Nguyen Minh Long cho rằng: “Mua đất, xây nhà, 100 năm sau, đất vẫn là của con cháu mình, nhà vẫn là của con cháu mình. Bán đi, giá trị lúc đó cũng tăng nhiều. Theo dự thảo mới, mua chung cư, giống như là thuê nhà trong 70 năm lâu nhất…”.
Tại dự thảo lần này, Bộ Xây dựng đưa ra 2 phương án: Hoặc bổ sung mới quy định về thời hạn sở hữu nhà xác định theo thời hạn sử dụng của công trình; hoặc giữ nguyên thời hạn sử dụng như quy định hiện nay – tức không quy định niên hạn. Phương án 1 mà Bộ Xây dựng đưa ra bổ sung quy định mới về thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định căn cứ vào thời hạn sử dụng công trình theo quy định của pháp luật xây dựng.
Theo đó, thời hạn sở hữu nhà chung cư được áp dụng đối với các loại, bao gồm: nhà chung cư thương mại, nhà chung cư xã hội, nhà chung cư tái định cư, nhà chung cư công vụ. Thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định theo thời hạn sử dụng của công trình nêu trong hồ sơ thiết kế công trình nhà chung cư được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và được tính từ khi nghiệm thu toàn bộ công trình nhà đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng. Khi thẩm định hồ sơ thiết kế công trình nhà chung cư, cơ quan có thẩm quyền thẩm định phải ghi rõ thời hạn sử dụng nhà chung cư trong hồ sơ thiết kế.
Thời hạn sở hữu nhà chung cư phải quy định rõ trong hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ. Thời hạn sở hữu nhà chung cư chỉ áp dụng đối với công trình nhà chung cư được cấp giấy phép xây dựng hoặc có văn bản thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở (đối với trường hợp miễn giấy phép xây dựng) sau ngày luật này có hiệu lực thi hành. Đối với các nhà chung cư trước ngày luật này có hiệu lực, người dân được sở hữu không thời hạn như quy định cũ.
Tổng Hợp