TS. Nguyễn Tú Anh – Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương chia sẻ: “Ở góc độ điều hành của Ngân hàng Nhà nước, khi tín dụng tăng nhanh sẽ gây áp lực lên lạm phát, nguy cơ tạo ra nợ xấu ảnh hưởng đến hệ thống. Do đó, việc kiểm soát room tín dụng đang được Ngân hàng Nhà nước làm rất thận trọng”.
Trong bối cảnh tín dụng eo hẹp, nguồn vốn ngân hàng đang “gồng mình” để đáp ứng nhu cầu của thị trường, trái phiếu doanh nghiệp được đánh giá là một trong những kênh quan trọng cung cấp nguồn vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp. Khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn non trẻ mà phát triển “nóng” như vậy có thể đặt ra nhiều vấn đề, nhất là hệ thống pháp luật có thể chưa được chặt chẽ, các nhà đầu tư tham gia thị trường chưa hiểu rõ về trái phiếu doanh nghiệp, chưa đánh giá được hết các rủi ro mà hầu hết chỉ nhìn thấy đây là một kênh đầu tư có lãi hơn tiền gửi ngân hàng.
Do đó, thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc và cơ quan quản lý đã phải vào cuộc và đánh giá lại. Tuy nhiên, cách xử lý không gây ra sự xáo động quá lớn với thị trường. Lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành chỉ chậm lại trong tháng 4, tháng 5 và tới tháng 6 thì lượng phát hành đã tăng trở lại.
Nhìn lại thị trường vốn Việt Nam trong 5 năm qua đã có sự phát triển khá mạnh mẽ. Nhưng nguồn vốn huy động qua trái phiếu và chứng khoán mới chỉ chiếm 26%, tức là cứ 4 đồng vốn huy động thì chỉ có 1 đồng từ thị trường vốn, còn lại chủ yếu qua kênh tín dụng.
Nhiều doanh nghiệp cũng đang đa dạng hóa các nguồn vốn thông qua các kênh huy động trên nhưng vẫn gặp khó khăn. Vì vậy, việc học tập kinh nghiệm của thế giới để phát triển thị trường vốn, tạo thêm kênh huy động vốn cho doanh nghiệp đang là yêu cầu cấp thiết.
TS. Vũ Đình Ánh lưu ý room tín dụng từ giờ tới cuối năm 2022 nếu sử dụng hết có thể sẽ nới thêm, nhưng không nên điều chỉnh sớm bởi có thể gây ra những tác hại về tâm lý nới lỏng chính sách tiền tệ.
Mặt khác, vị chuyên gia cho biết, các hạn mức tăng trưởng tín dụng được cấp riêng cho từng ngân hàng thương mại được căn cứ vào quá trình, kế hoạch hoạt động và khả năng quản trị điều hành, đảm bảo các chỉ số an toàn, kiểm soát rủi ro của mỗi tổ chức tín dụng.
“Với cách điều hành của Ngân hàng Nhà nước hiện nay, tôi cho rằng sẽ phù hợp với cả 2 mục tiêu: vừa tiếp tục kiềm chế kiểm soát lạm phát lại vừa thúc đẩy tiến trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng”, TS. Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Tú Anh cho rằng việc kiểm soát room tín dụng cả năm ở mức 13-14% là dựa vào mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay chỉ khoảng 6-6,5%, lạm phát dưới 4% thì GDP danh nghĩa (tổng sản phẩm quốc nội GDP được tính theo giá thị trường hiện tại) chỉ khoảng 9%. Nhưng nếu năm nay, GDP danh nghĩa tăng lên đến 12-13% thì tăng trưởng tín dụng có thể vượt qua con số này khoảng 3 điểm %, tức khoảng 15% là vẫn khả thi.
Do đó, ông Tú Anh đề nghị cần nghiên cứu kỹ hơn về room tín dụng và nên đặt tốc độ tăng trưởng tín dụng so sánh tương quan với tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa.
Trong khi đó, Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh lại nhận định rằng chưa cần thiết phải nới room tín dụng chung cho toàn nền kinh tế.
“Hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2022 ở mức 14% và hết 8 tháng chúng ta đã sử dụng khoảng 10%. Nhưng tại thời điểm này tôi thấy chưa cần thiết phải nới room tín dụng chung cho toàn nền kinh tế lên mức cao hơn, mặc dù khả năng kiềm chế, kiểm soát lạm phát dưới 4% của năm 2022 là gần như đã thành hiện thực trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế năm nay được dự báo thậm chí cao hơn 7,7%”, ông Ánh cho biết.
Tổng Hợp