Vì chậm trễ công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022 theo quy định, nên HoSE đã cho biết khả năng cổ phiếu ITA sẽ bị nâng mức phạt cao hơn, từ diện cảnh cáo sang diện kiểm soát, nếu doanh nghiệp không cải thiện tình hình.
Mặc dù HoSE xác nhận ngày 24-8 Tân Tạo có giải trình về việc hạch toán nhầm 1.300 tỉ đồng, nhưng phản ứng này đã chậm. Bởi trước đó HoSE đã ba lần gửi công văn (vào các ngày 10, 16 và 19-8) yêu cầu Tân Tạo giải trình gấp trong vòng 24 giờ.
Trong khi trước đó Tân Tạo cũng nhiều lần chậm công bố các thông tin khác. Điển hình, HoSE yêu cầu Tân Tạo giải trình về “cáo buộc phá sản”, nhưng doanh nghiệp liên tục trì hoãn và đề nghị “cho tạm hoãn công bố thông tin đến khi có kết luận của cấp có thẩm quyền”.
Tuy nhiên, sở từ chối vì không có thẩm quyền cho tạm hoãn công bố thông tin của tổ chức niêm yết, đồng thời việc chậm công bố thông tin của công ty vi phạm quy định tại thông tư 155/2015 của Bộ Tài chính.
Hay Tân Tạo cũng chậm bổ sung bản cung cấp thông tin người nội bộ theo quy định. Sau khi tổng hợp, nhận thấy Tân Tạo đã vi phạm quy định công bố thông tin từ bốn lần trở lên trong vòng một năm, bà Trần Anh Đào, phó tổng giám đốc HoSE, đã ký quyết định đưa cổ phiếu ITA vào diện cảnh báo từ ngày 6-9.
Trong khi đó, Tân Tạo đưa lý do vì bị Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam đột ngột từ chối tái ký hợp đồng kiểm toán.
Trao đổi với ông Đặng Quang Hạnh – tổng giám đốc Tân Tạo – cho biết sở dĩ doanh nghiệp này chậm đưa ra các báo cáo giải trình khoản tiền “hạch toán sai” bởi phía HoSE liên tục gửi văn bản trong khi doanh nghiệp phải xem lại các con số mới giải trình được. Ông Hạnh cũng cho rằng phía HoSE liên tục gửi văn bản yêu cầu Tân Tạo giải trình là “bất thường”.
Theo ông Hạnh, cổ đông phản ánh họ nghi ngờ có thế lực đứng đằng sau “đánh” nhằm thôn tính Tân Tạo và ông nhận thấy những suy diễn của cổ đông “có ý mình cảm thấy là đúng”.
Ông Hạnh cho biết đến nay phía Tân Tạo vẫn chưa nhận được các quyết định thanh tra thuế đột xuất như thông tin trên báo chí.
Vì sao một khoản tiền lớn lên đến 1.300 tỉ đồng lại có thể bị “hạch toán sai”. Ông Hạnh phản hồi: “Chưa có cái gì mà con người không có lúc sơ sót”.
Lấy dẫn chứng ngay cả trí thông minh nhân tạo (AI) cũng có sự cố, ông Hạnh khẳng định “không bao giờ có gì là tuyệt đối, nhưng khi vào thời điểm nhạy cảm, người ta mới nghĩ ra một vấn đề khác, đó là suy diễn của con người”.
Ông lấy ví dụ thời điểm này cổ đông phản ánh họ nghi ngờ có thế lực đứng đằng sau “đánh” nhằm thôn tính tập đoàn này và những suy diễn này của cổ đông “có ý mình cảm thấy là đúng”.
Trong khi đó đại diện Cục Thuế TP.HCM cho biết sau khi nhận văn bản yêu cầu Tổng cục Thuế, Cục Thuế TP.HCM đang rà soát số liệu của Tân Tạo.
Trước đó, căn cứ dữ liệu hệ thống quản lý thuế tập trung TMS, từ năm 2014 đến nay, Công ty Tân Tạo chưa được thanh tra, kiểm tra thuế.
Trước đó giới đầu tư chứng khoán liên tục bàn tán khi thấy thông tin Tân Tạo tạm ứng tới 1.973 tỉ đồng (khoảng 15% tổng tài sản công ty) để chuyển cho bà Đặng Thị Hoàng Yến đang sống ở Mỹ. Sau khi dư luận xôn xao, doanh nghiệp này đã điều chỉnh giảm số tiền trên xuống còn 633 tỉ đồng, với lý do hạch toán sai.
Theo giải trình với HoSE, Tân Tạo cho hay nghị quyết đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2019, 2020, 2021 và năm 2022 đã thông qua và ủy quyền cho hội đồng quản trị (chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến – a.k.a Maya Dangelas đại diện) ra các quyết định hợp tác, liên doanh dự án “Khu dược phẩm công nghệ cao và kính thông minh”.
Khoản ủy thác đầu tư này tính tới 30-6-2022 là 1.335 tỉ đồng, phải hạch toán vào “đầu tư khác” nhưng kế toán hạch toán nhầm vào “phải thu khác”, dẫn đến nợ phải thu của bà Đặng Thị Hoàng Yến tăng, trong khi thực chất đây là khoản ủy thác đầu tư theo như nghị quyết ĐHĐCĐ đã thông qua.
Ngoài ra, nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2022 đã thống nhất về việc bảo vệ lợi ích của các cổ đông từ rủi ro của dự án điện Kiên Lương do Công ty CP Phát triển năng lượng Tân Tạo (TEDC) đầu tư (bị loại khỏi quy hoạch điện, ngừng đầu tư, nguy cơ mất trắng 1.655 tỉ đã góp vốn).
Trong đó, bà Đặng Thị Hoàng Yến đồng ý nhận trách nhiệm chuyển nhượng 20,69% cổ phần ITACO nắm giữ tại TEDC tương đương số tiền 1.655 tỉ đồng. Tính tới 30-6-2022, công tác chuyển nhượng đã hoàn tất. Bà Yến đã thanh toán cho Tân Tạo số tiền 1.022 tỉ đồng, khoản phải thanh toán còn lại là 633 tỉ. Như vậy khoản “phải thu” bà Yến phát sinh là do khoản chuyển nhượng cổ phần nói trên.
Mới đây, Tổng cục Thuế đã có văn bản yêu cầu Cục Thuế TP.HCM tập trung rà soát số liệu kê khai thuế của Tân Tạo, phối hợp với ngân hàng xác minh số tiền mà Tân Tạo đã tạm ứng cho bà Đặng Thị Hoàng Yến, đồng thời chuyển hồ sơ cho công an nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm.
Mục đích được Tổng cục Thuế ghi rõ trong văn bản là “nhằm kịp thời xử lý trường hợp gian lận trong kê khai nộp thuế”.
Văn bản được Tổng cục Thuế gửi trực tiếp cho một nơi nhận duy nhất là Cục Thuế TP.HCM với các chỉ đạo như nêu ở trên. Tuy nhiên ngày hôm nay, 12-9, đã xuất hiện “Đơn kêu cứu khẩn cấp” trong đó có đầy đủ chữ ký của ban lãnh đạo Tân Tạo.
Nội dung lá đơn kêu cứu nêu: ban lãnh đạo công ty nhận được nhiều kiến nghị của cổ đông và cổ đông yêu cầu ban lãnh đạo công ty phải gửi đơn kêu cứu khẩn cấp về “âm mưu và hành động phá hoại, bức tử, thâu tóm Tân Tạo, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, quyền lợi của các nhà đầu tư, các cổ đông và đặc biệt ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán”.
Trong đơn, Tân Tạo cũng cho rằng vì thông tin thanh kiểm tra này mà dấy lên tin đồn ITA “bị đánh” nên cổ đông bán tháo, dẫn đến cổ phiếu sập sàn. Việc này sẽ dẫn đến việc một số “thế lực” có thể trục lợi mua ITA với giá rẻ.
Ngoài ra, từ tháng 5-2022 đến nay, Tân Tạo và các công ty thành viên của tập đoàn bị các ngân hàng từ chối cho vay. “Phải chăng đang có chiến lược bao vây, bóp nghẹt hoạt động sản xuất kinh doanh của Tân Tạo dẫn đến thâu tóm công ty?” – công ty này nêu trong đơn.
Tổng Hợp