Giới chuyên môn đánh giá, động thái điều chỉnh room tín dụng phù hợp với diễn biến tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, dự báo tăng trưởng quý III sẽ cao hơn nhiều so với quý II. Nhưng vẫn cần phát triển thị trường vốn cung ứng vốn dài hạn cho nền kinh tế.
Việt Nam duy trì chính sách tỷ giá ổn định, cho phép VND mất giá thấp hơn nhiều nước thông qua việc bán dự trữ ngoại hối, đồng thời để lãi suất trong ngắn hạn tăng, nhờ đó kiềm chế được lạm phát. Do đó, nếu tăng trần tín dụng sẽ làm giảm hiệu lực các chính sách nêu trên trong kiềm chế lạm phát.
Tại Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế TS. Trần Hoàng Ngân – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đánh giá việc điều hành chính sách tiền tệ trong thời điểm hiện nay là cực kỳ khó khăn và thách thức không chỉ ở Việt Nam mà NHTW trên thế giới đều đau đầu làm sao giải quyết hài hòa giữa kiểm soát lạm phát nhưng lại chống được suy thoái kinh tế luôn là bài toán khó. Và mỗi một quốc gia đều lựa chọn công cụ điều hành dựa trên điều kiện thực tế của quốc gia mình cho phù hợp.
“Điều hành chính sách tiền tệ hướng tới 3 mục tiêu. Thứ nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát hiện đang được kiểm soát tốt. Thứ hai là thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết công ăn việc làm thì kinh tế đang tăng trưởng tốt. Thứ ba là ổn định an ninh tài khoá, hệ thống ngân hàng quốc gia ổn định, hệ thống của chúng ta đang ổn định. Từ kết quả trên cho thấy 8 tháng qua điều hành chính sách tiền tệ đang đi đúng hướng. Tôi đánh giá cao điều hành chính sách tiền tệ của NHNN”, TS. Trần Hoàng Ngân ghi nhận.
Vấn đề đặt ra hiện nay là nhu cầu của nền kinh tế không chỉ vốn ngắn hạn mà cả vốn trung dài hạn. Theo các chuyên gia, vốn ngân hàng không thể đáp ứng được các nhu cầu vốn của nền kinh tế. Vì vốn ngân hàng chỉ cung ứng vốn ngắn hạn. Còn trung dài hạn phải phụ thuộc vào thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán. Do vậy, TS. Ngân đề nghị cần phải phải nhanh chóng hoàn thiện thể chế để có thể phát triển kênh trái phiếu doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cổ phiếu, đó mới là thị trường bền vững.
Có góc nhìn thận trọng, TS. Võ Trí Thành – Thành viên Tổ tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, diễn biến tăng trưởng tín dụng như hiện nay là phù hợp. Nhìn dài hạn, theo TS. Thành không nên đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng mãi ở mức 13-14%.
Đây là con số tăng trưởng không hề thấp nếu xét trên nhiều yếu tố như tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam tăng nhanh trong giai đoạn gần đây và đang ở mức cao, đặc biệt từ năm 2020 (2021: 124% GDP), tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống tài chính. Các tổ chức quốc tế (IMF, WB), tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc gia đều cảnh báo về tỷ lệ này của Việt Nam.
Theo đánh giá của WB, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới (đến cuối năm 2021 tỷ lệ này đã đạt 124%). Mới đây ngày 6/9/2022, mặc dù Moody’s nâng mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, nhưng tiếp tục cảnh báo tỷ lệ tín dụng trong nước/GDP và tỷ lệ tổng tài sản của ngân hàng trong nước/GDP đã tăng lần lượt lên 124% và 187% trong năm 2021, là một trong những tỷ lệ cao nhất trong số quốc gia xếp hạng Ba và Baa. Chưa kể áp lực ngắn hạn đối với tỷ giá, lãi suất vấn đề tăng vốn của các NHTM không theo kịp quy mô tăng tín dụng…
Gần đây nhất, các tổ chức quốc tế (IMF, WB, Fitch Ratings, S&P) cảnh báo khả năng suy giảm chất lượng tài sản, nguy cơ nợ xấu phát sinh; tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống và mất ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, vấn đề quan trọng nhất hiện nay để phát triển thị trường vốn, đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho nền kinh tế phát triển bền vững theo TS. Thành đó là cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định 153 về phát hành trái phiếu cũng như trong những năm tới có thể chế tốt để thúc đẩy thị trường trái phiếu trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế.
Điều cấp thiết hơn trong giai đoạn tới, theo TS. Trần Du Lịch – Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng đó là hấp thụ vốn chứ không phải áp lực nới room tín dụng. Nếu hấp thụ được vốn thì bơm vốn có hiệu quả. Còn không hấp thụ được vốn mà bơm vốn là “họa” chứ không phải là “phúc”.
“Điều cần làm bây giờ là phải phát triển cân đối thị trường chứng khoán, trái phiếu và cả thị trường tiền tệ, chứ không phải đẩy gánh nặng vốn trong trung và dài hạn cho chính sách tiền tệ”, TS. Lịch nhấn mạnh.
Cũng chung quan điểm, TS. Trần Đình Thiên cho rằng, phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ là khâu quyết định bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô không gây ra những căng thẳng cho nền kinh tế. Theo TS. Thiên, không nên chỉ lo tăng trưởng mà đối với nền kinh tế Việt Nam cần chú ý đến yếu tố nợ xấu, bơm tiền hay không bơm tiền ra đều phải căn cứ vào nợ xấu.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, trong thời gian qua, điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng ngân hàng đã đóng góp tích cực trong kết quả tăng trưởng kinh tế trong 8 tháng đầu năm. Số liệu mới nhất từ NHNN đến ngày 31/8/2022, tín dụng tăng 9,95% so với cuối năm 2021, là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây, phù hợp với tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi khả quan trong những tháng qua.
Trong đó cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, phù hợp với đóng góp và tăng trưởng của các ngành kinh tế trong GDP. Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng tốt, cao hơn cùng kỳ năm trước, một số lĩnh vực có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.
Một động thái điều chính trong điều hành chính sách tiền tệ được đánh giá tích cực trong tuần qua đó là NHNN thông báo chính thức về việc đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với các TCTD có đề nghị và có thông báo gửi các TCTD này.
Tổng Hợp