Theo văn bản của Ngân hàng Nhà nước gửi các tổ chức tín dụng về việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022, hạn mức cấp thêm từ 1% đến 4% room tín dụng so với mức cũ (tuỳ từng ngân hàng).
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, huy động vốn của các ngân hàng trong 7 tháng đầu năm 2022 chỉ tăng 4,2% so với cuối năm 2021 và tăng 9,9% so với cùng kỳ. Trong khi đó, dư nợ tín dụng tính đến hết tháng 7 tăng 9,42% so với đầu năm (tính đến hết tháng 8 tăng 9,91%) và tăng 16,3% so với cùng kỳ. Điều này khiến chênh lệch huy động vốn – tín dụng tiếp tục giảm mạnh, tạo áp lực lớn lên mặt bằng lãi suất huy động. Vì thế, nhiều nhà băng đã đồng loạt tăng lãi suất tiết kiệm, đạt 5,5 – 7,55%/năm với kỳ hạn 12 tháng, cao hơn khoảng 0,7%/năm so với đầu năm, để cơ cấu lại nguồn theo quy định.
Thế nhưng, trước áp lực chi phí đầu vào gia tăng, lãi suất cho vay khó có thể giữ nguyên quanh mức 12%/năm. Khoảng 1 tháng trở lại đây, có những khách hàng cá nhân đã phải trả lãi vay vốn mua nhà 13 – 14%/năm, chi phí ngân hàng tăng và room tín dụng đã cạn.
Các ngân hàng kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp thêm room tín dụng để cho khách hàng vay trong những tháng còn lại của năm 2022. Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngành ngân hàng, các nhà băng có chỉ số hoạt động tốt, lành mạnh, an toàn sẽ được giao chỉ tiêu tín dụng mới, nhưng room tín dụng toàn ngành năm nay sẽ giữ nguyên mức 14%.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, đặc thù của nền kinh tế Việt Nam là vốn đầu tư phụ thuộc lớn vào nguồn vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng. Hiện nay, vốn tín dụng trên GDP đang ở mức 124% và theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong số quốc gia có tỷ lệ này cao nhất thế giới. Chính vì tỷ lệ cao như vậy, khi có biến động trên thế giới, doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh sẽ ảnh hưởng ngay tới hệ thống ngân hàng. Do đó, việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng là cần thiết bởi nếu như ngân hàng gặp vấn đề, mất khả năng chi trả sẽ gây hệ lụy tới nền kinh tế.
NHNN khẳng định: tăng trưởng tín dụng năm 2022 cho từng tổ chức tín dụng trên cơ sở: Kết quả xếp hạng từng tổ chức tín dụng theo quy định tại Thông tư 52 (đã được sửa đổi, bổ sung); xem xét một số yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước như tổ chức tín dụng tham gia hỗ trợ xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…
Ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho hay, hiện NHNN căn cứ vào quy mô, chất lượng tài sản tín dụng, khả năng an toàn vốn, của ngân hàng để phân bổ hạn mức. “Việc chênh lệch tăng hạn mức tín dụng của ngân hàng đương nhiên. Vì vậy, có sự chênh lệch tăng hạn mức tín dụng của ngân hàng thương mại”, ông Hùng nói.
Ông Hùng cũng đồng thời lưu ý, “Nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp hiện nay lớn nhưng không thể tập trung toàn bộ vào cấp vốn của ngân hàng. Trong bối cảnh, việc huy động vốn ở thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán không hiệu quả, người dân, doanh nghiệp tập trung vào vốn của ngân hàng chưa hợp lý. Để nền kinh tế phát triển, cần có sự đồng bộ của chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa”, ông Hùng cho biết.
Theo TS Cấn Văn Lực, vốn tín dụng cũng chỉ chiếm 50% tổng lượng vốn cung ứng cho nền kinh tế, còn lại 50% có thể thu hút từ các nguồn khác nhau như phát hành trái phiếu, thu hút FDI, nguồn vốn đầu tư tư nhân… Ông Lực cho rằng, doanh nghiệp cần phải tính đến các phương án khác nhau trước khi Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét về chủ trương nới room tín dụng cho các ngân hàng thương mại để tránh tạo ra áp lực quá lớn đối với hệ thống tổ chức tín dụng.
Hạn mức được cấp thêm của các ngân hàng như sau: Sacombank (STB) 4%; HDBank 3,4%; MB (3,2%); OCB (3,1%); VIB (3%); Agribank 3,5%. Vietcombank và Techcombank cùng được cấp thêm 2,7%. Một số ngân hàng khác cũng được nới room nhưng ở mức thấp hơn như TPBank 1,2%.
Câu chuyện nâng thêm bao nhiêu hạn mức tín dụng cho các ngân hàng từ nay đến cuối năm cuối cùng cũng kết thúc. Với việc chỉ có một số TCTD được nới, và nơi nới nhiều, chỗ ít, giới ngân hàng và các chuyên gia đang nổi lên thắc mắc, vì sao như vậy.
Tổng Hợp