Một số công ty tài chính từ đầu năm đến nay cũng huy động hàng nghìn tỷ đồng qua kênh trái phiếu. 3 công ty tài chính là Home Credit, FE Credit và Mcredit từ đầu năm đến nay đã huy động 4.200 tỷ đồng nhờ phát hành trái phiếu…
Dẫn đầu về phát hành trái phiếu năm 2022 đang là FE Credit. Từ đầu năm đến nay, công ty 8 lần huy động tiền từ kênh này.
Chi tiết hơn về các đợt phát hành thì hồi tháng 4, FE Credit phát hành 3 đợt trái phiếu, đều có kỳ hạn 24 tháng, tổng trị giá 800 tỷ đồng. Lần phát hành đầu tiên của năm nay là vào ngày 24/4, số tiền huy động được là 300 tỷ đồng. Lô thứ 2 vào ngày 28/4, huy động 200 tỷ đồng. Lô thứ 3 được phát hành ngay sau một ngày, công ty huy động được 500 tỷ đồng.
Tháng 5 sau đó, công ty tiếp tục phát hành thành công 500 tỷ đồng trái phiếu. Đến tháng 6, công ty phát hành thêm 3 đợt trái phiếu, tổng số tiền huy động sau 3 đợt là 1.000 tỷ đồng. Trong đó có một đợt phát hành 400 tỷ đồng và 2 đợt phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu.
Ngày 22/8 vừa rồi, FE Credit huy động thành công 100 tỷ đồng trái phiếu, nâng tổng khối lượng trái phiếu phát hành từ đầu năm đến nay là 2.400 tỷ đồng.
Tất cả trái phiếu của FE Credit đều được phát hành tại thị trường trong nước, mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu. Cũng giống như Home Credit Việt Nam, các lô trái phiếu không có đầy đủ thông tin.
FE Credit được thành lập vào tháng 2/2007, có trụ sở tại TPHCM. Hiện VPBank nắm 50% vốn tại đây, tương ứng giá trị vốn góp là 5.464 tỷ đồng. Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt nắm 1%, tương ứng 109,2 tỷ đồng. Còn lại là Tập đoàn SMBC (Nhật Bản) nắm 49% vốn, tương ứng 5.354,7 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính của FE Credit tại ngày 30/6, dư nợ cấp tín dụng là 75.000 tỷ đồng, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước. Doanh số giải ngân nửa đầu năm là 13.300 tỷ đồng, thấp hơn so với kỳ vọng song vẫn tăng 4%.
Home Credit Việt Nam là một trong những “ông lớn” trên thị trường tài chính tiêu dùng, bên cạnh Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit), Công ty Tài chính Trách nhiệm hữu hạn HD SAISON (HD Saigon), Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit)…
Tuy nhiên, công ty tài chính này không có sự “hậu thuẫn” của các ngân hàng trong nước như các đối thủ khác. Home Credit Việt Nam có công ty mẹ trụ sở đặt tại Cộng hòa Czech, thành lập năm 1997. Trong khi đó, FE Credit có cổ đông lớn là VPBank, HD Saigon có HDBank hay Mcredit có MB.
Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam mới đây báo cáo kết quả phát hành lô trái phiếu trị giá 600 tỷ đồng. Lần đầu tiên công ty tài chính này huy động tiền qua kênh trái phiếu.
600 trái phiếu mệnh giá 1 tỷ đồng có kỳ hạn 24 tháng, ngày đáo hạn là 31/8/2024. Các thông tin về lãi suất, trái chủ, tài sản đảm bảo hay bên đứng ra sắp xếp thương vụ chưa được công bố chi tiết.
Home Credit Việt Nam được thành lập và hoạt động từ năm 2008, cung cấp các sản phẩm tài chính tiêu dùng trả góp. Công ty có trụ sở chính tại TPHCM, chi nhánh tại Hà Nội cùng các văn phòng đại diện trên toàn quốc.
Một công ty tài chính khác là Mcredit từ đầu năm đến nay cũng phát hành thành công 4 lô trái phiếu, kỳ hạn từ 24 đến 36 tháng với tổng số tiền huy động được là 1.200 tỷ đồng. Hồi tháng 2, Mcredit huy động 400 tỷ đồng thông qua phát hành 400 trái phiếu mệnh giá 100 triệu đồng. Lô trái phiếu có kỳ hạn 24 tháng.
Đến cuối tháng 4, Mcredit huy động thêm 300 tỷ đồng, thông qua phát hành 300 trái phiếu mệnh giá 100 triệu đồng. Kỳ hạn lô trái phiếu được nâng lên 36 tháng.
Sang tháng 6, Mcredit tiếp tục huy động 100 tỷ đồng khi phát hành 100 trái phiếu mệnh giá 100 triệu đồng, kỳ hạn 24 tháng.
Đến tháng 7, công ty tài chính này huy động thêm 500 tỷ đồng thông qua phát hành 500 trái phiếu mệnh giá 1 tỷ đồng, kỳ hạn 24 tháng. Sau 4 đợt phát hành, Mcredit đã huy động được tổng 1.200 tỷ đồng, song cũng không có đầy đủ thông tin chi tiết về các đợt phát hành.
Mcredit được thành lập vào năm 2016, với vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng. Tháng 7 vừa rồi, Mcredit nâng vốn điều lệ lên 1.600 tỷ đồng. Trong đó, MB góp 800 tỷ đồng, tương ứng 50% vốn, Ngân hàng Shinsei (Nhật Bản) góp 784 tỷ đồng, tương ứng 49% và Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển Xuân Thành góp 16 tỷ đồng, tương ứng 1%. Năm 2021, công ty đạt lợi nhuận trước thuế 601 tỷ đồng, tăng 87,5% so với năm 2020.
Mô hình công ty tài chính tiêu dùng cũng đã bớt đi độ hấp dẫn trong bối cảnh đại dịch. Lần đầu tiên trong vòng 10 năm, năm 2020, tăng trưởng của thị trường tài chính tiêu dùng ở mức một con số, theo báo cáo của FinGroup mới đây.
Bên cạnh đó, quy định khống chế mức trần các khoản vay bằng tiền mặt bị khống chế theo Thông tư 18/2019 của Ngân hàng Nhà nước cũng được cho là nguyên nhân khiến cho công ty tài chính tiêu dùng bớt đi độ hấp dẫn. Tỷ lệ cho vay giải ngân trực tiếp bằng tiền mặt tại công ty tài chính sẽ giảm về 30% kể từ ngày 1/1/2024. Trong bối cảnh tại các công ty tài chính tiêu dùng, tỷ lệ này thường xuyên duy trì cao lên đến 70 – 80% và khách hàng cũng chủ yếu có nhu cầu tiền mặt thì quy định trên được cho là sẽ làm giảm sức hấp dẫn của mô hình cho vay này.
Tổng Hợp