Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” vừa được Bộ xây dựng trình Thủ tướng. Đề án sẽ được lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương trước khi “chốt”. Nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội…
Theo mục tiêu đưa ra, đến năm 2030, cả nước hoàn thành đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Thống kê tại 40 địa phương gửi báo cáo cho thấy, nhu cầu của thị trường cần khoảng 2,6 triệu căn.
Các địa phương đã đăng ký, đề xuất thực hiện 1,8 triệu căn, đáp ứng 70%. Con số được ra tại đề án thấp hơn so với đăng ký của địa phương là do Bộ Xây dựng có sự rà soát, tính toán dựa trên yếu tố khả thi.
Theo báo cáo, tính đến nay, cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn. Hiện đang tiếp tục triển khai 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn.
Mặc dù việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội đạt được một số kết quả song theo Bộ Xây dựng, con số này mới chỉ đáp ứng được 65% mục tiêu đề ra đến năm 2020, trong khi nhu cầu phân khúc này rất lớn. Bộ Xây dựng cho biết, nguyên nhân chủ yếu là thiếu quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, việc bố trí nguồn vốn tín dụng cho vay ưu đãi từ nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp. Ngoài ra, các chính sách ưu đãi chưa đủ mạnh, thủ tục đầu tư còn rườm rà nên không khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư. Trong khi đó, các địa phương chưa quan tâm, tạo điều kiện khuyến khích phát triển phân khúc này.
“Nhiều địa phương, đặc biệt người đứng đầu là chủ tịch UBND cấp tỉnh chưa thực sự quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp; chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm và hàng năm để dành nguồn lực thực hiện kiểm tra, đôn đốc”, đề án của Bộ Xây dựng nêu rõ.
Cần hơn 950.000 tỷ đồng phát triển nhà ở TP.HCM đến năm 2030
Tổng nhu cầu quỹ đất để phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 toàn TP.HCM khoảng 5.239 ha. Đáng chú ý, dự kiến vốn để phát triển nhà ở đến năm 2025 là 566.995 tỷ đồng; đến năm 2030 là 956.000 tỷ đồng.
Nội dung được đề cập trong quyết định của UBND TP.HCM về việc phê duyệt chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021-2030.
Theo đó, TP.HCM đặt mục tiêu phát triển nhà ở đến năm 2025, phấn đấu chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đạt 23,5m2/người. Tổng diện tích nhà ở tăng thêm giai đoạn 2021-2025 đạt 50 triệu m2 sàn, tương đương khoảng 367.000 căn nhà.
Phát triển nhà ở tại các khu vực dọc theo các điểm kết nối tuyến giao thông công cộng trọng điểm: tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đi qua TP. Thủ Đức (hướng Đông); tuyến Metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) đi qua các quận Tân Phú, 12 (hướng Bắc); tuyến Metro số 3a (Bến Thành – Tân Kiên) đi qua các quận, huyện Bình Tân, Bình Chánh (hướng Tây). Đồng thời, rà soát, điều chỉnh quy hoạch để tạo lập, xác định rõ các quỹ đất phát triển dự án nhà ở tại các quận nội thành phát triển (quận 7, 12, quận Bình Tân và TP. Thủ Đức).
Bên cạnh đó, đến năm 2030, TP.HCM phấn đấu chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân toàn đạt 26,5 m2/người. Tổng diện tích nhà ở tăng thêm giai đoạn 2026-2030 đạt 57,5 triệu m2 sàn.
Phát triển nhà ở tại các khu vực dọc theo các điểm kết nối tuyến giao thông công cộng trọng điểm, phát triển mạnh nhà ở tại khu vực các quận nội thành phát triển (quận 7, 12, quận Bình Tân và TP. Thủ Đức).
Phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, quy hoạch, tạo lập quỹ đất phát triển dự án tại các huyện ngoại thành, ưu tiên tạo điều kiện để phát triển các dự án nhà ở giá rẻ, phục vụ đại bộ phận người lao động định cư đến TP.HCM.
Đáng chú ý, dự kiến vốn để phát triển nhà ở tại TP.HCM đến năm 2025 là 566.995 tỷ đồng; đến năm 2030 là 956.000 tỷ đồng.
Các nguồn vốn để phát triển nhà ở trên địa bàn TP.HCM gồm: Phát triển nhà ở thương mại bằng nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng…; nhà ở riêng lẻ tự xây của các hộ gia đình bằng nguồn vốn tích lũy thu nhập của các hộ gia đình; vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng ưu đãi, ngân hàng chính sách xã hội,… và một phần nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Tổng Hợp