Vietnam Airlines vừa thông báo sẽ chi hơn 42 tỷ đồng để khen thưởng cán bộ nhân viên hoàn thành sản xuất kinh doanh 7 tháng đầu năm và cao điểm hè, trong bối cảnh vốn chủ sở hữu âm 4.897 tỷ đồng, các khoản phải trả quá hạn vượt 14.850 tỷ đồng.
“Với kết quả sản xuất kinh doanh tích cực trong 7 tháng đầu năm, đặc biệt giai đoạn cao điểm hè từ tuần cuối tháng 5 đến hết tháng 7, tổng công ty quyết định chi khen thưởng nhằm ghi nhận những đóng góp, nỗ lực và khích lệ tinh thần của toàn bộ người lao động tiếp tục cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn các tháng cuối năm”, Vietnam Airlines cho hay.
Tính đến hết tháng 7, với số chuyến bay khai thác vượt 10,3% kế hoạch doanh thu vận tải hành khách đạt gần 26.000 tỷ đồng, tăng gần 5.000 tỷ đồng so với kế hoạch. Đặc biệt, giai đoạn cao điểm hè, số lượt khách vận chuyển/ngày, tăng 26,3% so cùng kỳ 2019 và tăng 9,7% so với kế hoạch.
Tại báo cáo soát xét giữa niên độ 2022, Công ty Kiểm toán Deloitte Việt Nam lưu ý khoản nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines đã vượt quá tài sản ngắn hạn, với số tiền là 36.425 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu hãng hàng không quốc gia âm 4.897 tỷ đồng. Các khoản phải trả quá hạn vượt 14.850 tỷ đồng.
Phía Deloitte cho biết khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê.
Theo đơn vị kiểm toán, những điều kiện này cùng với khoản nợ trên 36.425 tỷ đồng vượt quá tài sản ngắn hạn cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn, có thể ảnh hưởng quan trọng đến khả năng hoạt động liên tục của hãng.
Về phía mình, Vietnam Airlines cho rằng thị trường vận chuyển quốc tế vẫn đang phục hồi chậm, cộng thêm một số yếu tố tiêu cực phát sinh như xung đột chiến tranh Nga – Ukraine đẩy giá nhiên liệu tăng cao, ảnh hưởng xấu đến khai thác quốc tế; rủi ro tỷ giá và rủi ro lãi suất đều gia tăng nên doanh nghiệp tiếp tục lỗ trong quý II cũng như 6 tháng đầu năm.
Trước đó, tại báo cáo kiểm toán năm 2021, Deloitte cũng đưa ra quan điểm lo ngại về khả năng hoạt động liên tục của hãng hàng không lớn nhất Việt Nam. Nửa đầu năm, hãng ghi nhận lỗ 5.237 tỷ đồng. Tuy nhiên mức này đã giảm 39% so với cùng kỳ, chủ yếu do giảm lỗ của công ty mẹ và các công ty con như Skypec, Vaeco, Viags… đều kinh doanh có lãi.
Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ vừa mới công bố của Vietnam Airlines đã xuất hiện phần thuyết minh về tiền lương và thù lao của HĐQT, Ban Kiểm soát và Ban Điều hành.
Theo đó, tổng tiền lương, thù lao của HĐQT, Ban Kiểm soát, Ban Điều hành 6 tháng đầu năm của hãng hàng không quốc gia bằng 51,6% so với cả năm 2021. Tiền lương bình quân của HĐQT, Ban Kiểm soát, Ban Điều hành là 60,8 triệu đồng/người/tháng. Thù lao bình quân của HĐQT, Ban Kiểm soát là 10,5 triệu đồng/người/tháng.
Đáng chú ý, người nhận mức tiền lương, thù lao cao nhất HĐQT, Ban Kiểm soát, Ban Điều hành là Tổng giám đốc ông Lê Hồng Hà. Ông Hà nhận 466 triệu đồng trong 6 tháng đầu năm, tương đương gần 78 triệu đồng/tháng. Chủ tịch HĐQT ông Đặng Ngọc Hòa chỉ đứng thứ hai với 414 triệu đồng, trong khi con số cùng kỳ năm 2021 là 269 triệu đồng. Trong khi đó, Trưởng Ban Kiểm soát bà Nguyễn Thị Thiên Kim nhận lương, thù lao 341 triệu đồng trong 6 tháng đầu năm, tức trung bình gần 57 triệu đồng/tháng; Kế toán trưởng Trần Thanh Hiền nhận 375 triệu đồng. Mức lương, thù lao ông Hiền nhận được bằng với 3 Phó Tổng giám đốc là ông Trịnh Ngọc Thành, ông Trịnh Hồng Quang và ông Nguyễn Chiến Thắng.
Tại phiên họp thường niên diễn ra vào cuối tháng 6, đại hội đồng cổ đông Vietnam Airlines dự kiến quỹ tiền lương, thù lao của lãnh đạo doanh nghiệp trong năm nay ở mức 4,15 tỷ đồng. Trong đó, quỹ tiền lương là hơn 3,6 tỷ đồng, còn quỹ thù lao là 552 triệu đồng.
Tổng Hợp