Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2022 do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2022 chỉ tăng nhẹ, vỏn vẹn 0,005% so với tháng trước do giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và bước sang năm học mới 2022-2023, học phí giáo dục tại một số địa phương tăng trở lại. Tuy nhiên, giá xăng dầu trong nước liên tục được điều chỉnh giảm từ tháng 7 “kìm” đà tăng CPI tháng 8.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn từ tình trạng phục hồi không đồng đều và thiếu bền vững của nền kinh tế thế giới, nhất là một số nền kinh tế lớn và đối tác chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc…
Bên cạnh đó, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc thường tăng theo quy luật vào giai đoạn chuyển mùa và thời điểm lễ, Tết; giá thịt lợn đang có xu hướng tăng…
Đặc biệt, “việc tập trung triển khai đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công vào cuối năm, nhất là việc triển khai các công trình kinh tế trọng điểm có thể làm tăng nhu cầu nhất là đối với các mặt hàng vật tư xây dựng, từ đó, có thể làm giá cả biến động nếu nguồn cung không đáp ứng kịp thời”, Bộ Tài chính chỉ rõ.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong mức tăng 0,005% của CPI tháng 8 so với tháng trước, có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng (nhóm giáo dục tăng cao nhất với 1,46%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,05%…) và 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm (nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,01%; nhóm giao thông giảm mạnh 5,51%).
Cũng theo đánh giá của lãnh đạo Tổng cục Thống kê, hiện Việt Nam nằm trong nhóm những nước có chỉ số lạm phát cận thấp của thế giới và giỏ hàng hóa để tính CPI của Việt Nam không khác nhiều so với thế giới. Cụ thể, Nhật Bản, Trung Quốc… nằm trong nhóm rất thấp, CPI chỉ tăng khoảng 1,8%; Việt Nam trong 7 tháng tăng CPI 2,54%, nằm trong nhóm CPI tăng cận thấp, khoảng 2-3%, tương đương với các nước: Malaysia, Indonesia, Brunei… Trong khi đó nhiều nước EU, Mỹ, Canada nằm trong nhóm CPI tăng cao trên 8%.
Chỉ rõ những khó khăn gây sức ép lên chỉ số CPI 8 tháng đầu năm, báo cáo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì diễn ra cuối tháng 8, bà Đinh Thị Nương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết 8 tháng qua, kinh tế thế giới trải qua nhiều thách thức.
Trong đó, “nổi lên là cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine kéo dài. Cùng với đó, chính sách phong tỏa phòng, chống dịch Covid-19 của Trung Quốc cùng tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và nguy cơ lạm phát đình trệ đang kìm hãm tăng trưởng”, bà Nương nêu rõ.
Trước những rủi ro nêu trên, một số tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nâng mức dự báo về rủi ro lạm phát leo thang. Kinh tế thế giới đang ngày càng phải đối mặt rõ nét hơn với nguy cơ lạm phát cao đi kèm suy thoái tiềm ẩn.
Trong nước, nền kinh tế phục hồi nhanh và hầu hết ở các ngành, lĩnh vực, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới “đẩy” giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng lên.
Tuy nhiên, theo bà Nương, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và sát sao của Chính phủ và sự triển khai chủ động của các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý, bình ổn giá nhằm kiểm soát lạm phát, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, hàng loạt những nhân tố giúp kìm đà tăng của CPI.
Có thể kể đến như giá bưu chính viễn thông ước tính giảm 0,46% so với cùng kỳ năm trước do giá điện thoại di động giảm.
So với tháng 12/2021, CPI tháng 8 tăng 3,6% và so với cùng kỳ năm trước, tăng 2,89%. Như vậy, bình quân 8 tháng năm 2022, CPI tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,64%, hoàn toàn trong tầm kiểm soát.
Tổng Hợp