Sáng 30/8, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) thông báo về việc thực hiện chuyển dữ liệu đăng ký, lưu ký cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần FLC Faros từ sàn HoSE sang UPCoM.
VSD sẽ chuyển dữ liệu đăng ký, lưu ký chứng khoán gần 567,6 triệu cổ phiếu ROS sang thị trường UPCoM, do cổ phiếu này bị hủy niêm yết tại HoSE theo Quyết định số 579/QĐ-SGDHCM ngày 25/8 của Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM. Đây là việc xử lý kỹ thuật trên hệ thống của VSD đối với cổ phiếu khi bị hủy niêm yết. Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho hay, theo quy định, công ty bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc hoặc hủy bỏ tự nguyện nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng thuộc đối tượng phải thực hiện đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM.
Song, đối với trường hợp của ROS, theo kết quả điều tra ban đầu của cơ quan chức năng, việc nâng khống vốn điều lệ của công ty từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng thuộc hành vi bị cấm theo quy định và đang trong quá trình điều tra, do đó HNX chưa có cơ sở để xác định số vốn điều lệ hợp lệ cũng như tính đại chúng của ROS và số lượng chứng khoán đăng ký giao dịch.
Vì vậy, việc xem xét hồ sơ đăng ký giao dịch của ROS trên UPCoM sẽ được thực hiện sau khi có kết luận chính thức của cơ quan chức năng và hướng dẫn của cơ quan quản lý.
Theo cơ quan điều tra, sau khi nâng khống vốn điều lệ của FLC Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, ông Trịnh Văn Quyết – cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC – đã chỉ đạo em gái bán toàn bộ cổ phiếu ROS thu được hơn 6.400 tỷ đồng và rút tiền mặt để chiếm đoạt.
Cổ phiếu ROS của FLC Faros đang trong diện bị đình chỉ giao dịch và sẽ chính thức bị hủy niêm yết trên sàn HoSE kể từ ngày 5/9 tới. Việc hơn 567,6 triệu cổ phiếu ROS bị hủy niêm yết được cho là cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Không khó để tìm trong các hội nhóm chứng khoán trên facebook những nhà đầu tư trong quá khứ từng “tàu lượn” cùng cổ phiếu ROS. Với người từng xuống tay mua ROS, những thăng trầm cùng các đợt vượt đỉnh, lao dốc của mã này là trải nghiệm khó quên.
Quay lại thời điểm năm 2016, chỉ cần gõ cụm từ “cổ phiếu ROS”, Google sẽ lập tức cho ra tới hàng trăm nghìn kết quả chỉ chưa tới một giây, với hàng loạt thông tin, bình luận và cả nghi vấn về mã này. Không chỉ thu hút sự chú ý của giới đầu tư Việt Nam, ROS còn gây tò mò với cả giới truyền thông tài chính quốc tế như The Wall Street Journal thời điểm đó. Khi đó, tờ này nhận định Việt Nam là một trong những thị trường chứng khoán hoạt động tốt nhất châu Á nhưng lại có “cổ phiếu nổi bật” là của một công ty xây dựng “ít được biết đến trước đây”, đồng thời nhắc chuyện giá ROS đã tăng hơn 10 lần kể từ đầu tháng 9/2016.
Sức tăng bền bỉ của ROS trên sàn HoSE sau thời điểm niêm yết ngày 1/9/2016 cũng được Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán bình chọn là một trong 10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2016. ROS đã có mức tăng nhanh bất thường, từ 12.600 đồng/cổ phiếu ở ngày giao dịch đầu tiên niêm yết trên sàn lên mức 126.000 đồng vào ngày 25/11/2016, tương ứng tăng giá gấp 10 lần chỉ trong vòng 3 tháng lên sàn. Khi đó, mã này đưa FLC Faros lọt danh sách 10 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thời điểm đó, bên cạnh những nhà đầu tư kịp “lướt sóng”, nhiều quỹ ngoại cũng từng thắng lớn với ROS. ROS cũng từng là mã được khối ngoại mua ròng nhiều nhất.
Năm 2016, thực tế không chỉ ROS mà còn nhiều mã thuộc các tập đoàn lớn khác cũng “chào sàn” HoSE. Có thể kể đến một số cái tên như ADS của Công ty cổ phần Damsan, DAH của Công ty cổ phần Tập đoàn Khách sạn Đông Á, SAB của Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco)… 3 cổ phiếu kia vẫn đang được giao dịch bình thường trên HoSE cho tới nay.
Còn ROS, ngay cả khi bị HoSE công bố đình chỉ giao dịch từ ngày 5/9 thì đây vẫn được cho là cổ phiếu “lạ thường” bậc nhất sàn chứng khoán.
Tổng Hợp