Tỷ giá USD/VND tiếp tục có nhiều biến động trong bối cảnh trên thị trường thế giới, giới đầu tư đang hướng về cuộc họp của các ngân hàng trung ương tại Jackson Hole để có thêm dữ liệu về việc tăng lãi suất.
Tăng trưởng tiền gửi đang thấp hơn khá nhiều so với tăng trưởng tín dụng. Sự mất cân đối này đã khiến chỉ số thanh khoản bình quân của các ngân hàng đang niêm yết có sự suy giảm trong 6 tháng đầu năm, tiệm cận với mức trần cho phép của NHNN là 85%.
Theo báo cáo phân tích ngành ngân hàng mới đây, Công ty chứng khoán Mirae Asset cho biết, tăng trưởng tín dụng trong quý 3/2022 kỳ vọng tăng chậm lại do đã tăng mạnh trong nửa đầu năm. Do các bất ổn về địa chính trị và kinh tế trên thế giới cũng như quan ngại rủi ro tập trung liên quan đến cho vay bất động sản (đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn đang sử dụng hạn mức tăng trưởng tín dụng nhằm kiểm soát dòng vốn vay chảy vào bất động sản.
Mặc dù NHNN tới giữa tháng 8 vẫn chưa có động thái nới hạn mức tăng trưởng tín dụng, Mirae Asset vẫn kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2022 sẽ vượt 14%, dựa trên kết quả tăng trưởng đột biến trong 6 tháng đầu năm 2022.
Trong nửa đầu năm, sự tăng giá của các mặt hàng thiết yếu trên thế giới là nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát nội địa tăng bất thường hơn là tăng trưởng tiêu thụ nội địa. Vì vậy, nhóm phân tích cho rằng, việc hạn chế tăng tín dụng không hẳn là biện pháp hiệu quả để kiềm chế lạm phát, nhưng bơm thêm tiền vào nền kinh tế sẽ làm tình hình trở nên khó kiểm soát hơn. Nhìn chung, việc ngưng cấp thêm tín dụng chỉ mang tính chất tạm thời, và một phần điều tiết lại dòng vốn tín dụng sang các ngành nghề ít rủi ro.
Do các cơ quan quản lý đưa ràng buộc chặt chẽ về tăng trưởng tín dụng cũng như ổn định hoạt động ngành, đa phần các ngân hàng đã hạn chế đà tăng từ cuối quý 2/2022 do không được cấp thêm hạn mức. Hầu hết các ngân hàng có mức tăng trưởng vượt trội so với mặt bằng chung dựa trên các yếu tố như bộ đệm vốn tốt, danh mục tín dụng đa dạng, và hỗ trợ NHNN trong việc giúp các tổ chức tín dụng yếu kém. Trong dài hạn, kỳ vọng các ngân hàng có bộ đệm vốn tốt, lợi nhuận tăng trưởng bền vững, và sở hữu danh mục tín dụng không có quá nhiều rủi ro tập trung sẽ được nhận hạn mức tăng trưởng tín dụng tốt hơn.
Trong phiên 24/8, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.232 VND/USD, giảm nhẹ trở lại 5 đồng so với phiên trước đó sau khi tăng mạnh 3 phiên liên tiếp. Tỷ giá mua và bán giao ngay được giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 22.550 VND/USD và 23.400 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên với mức 23.450 VND/USD, tăng 15 đồng so với phiên 23/8.
Đáng chú ý, tỷ giá trên thị trường tự do tăng mạnh tới 90 đồng ở chiều mua vào và 160 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 24.060 VND/USD và 24.160 VND/USD.
Sang sáng nay (25/8), tỷ giá trung tâm tăng nhẹ 2 đồng so với phiên liền trước, đang niêm yết ở mức 23.234 VND/USD. Với biên độ +/-3% đang áp dụng, tỷ giá trần hôm nay là 23.931 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.537 VND/USD.
Trong khi đó, giá USD tại các ngân hàng thương mại sáng nay không có nhiều biến động sau khi có phiên tăng khá mạnh trong sáng qua.
VietinBank giảm 7 đồng ở cả hai chiều mua vào bán ra so với sáng qua, xuống còn 23.293 – 23.573 VND/USD.
Vietcombank tăng 20 đồng trong khi BIDV giảm 10 đồng ở mỗi chiều, đang niêm yết USD ở mức lần lượt 23.310 – 23.590 VND/USD và 23.285 – 23.565 VND/USD.
ACB không điều chỉnh tỷ giá trong khi Eximbank tăng 10 đồng chiều bán, đang niêm yết USD ở mức lần lượt 23.340 – 23.540 VND/USD và 23.330 – 23.550 VND/USD.
Sacombank đang niêm yết USD ở mức 23.330 – 23.550 VND/USD, tăng 10 đồng ở chiều bán. Tỷ giá tại Techcombank đang là 23.292– 23.577 VND/USD, giảm nhẹ 3 đồng ở mỗi chiều so với sáng qua.
Trên thị trường thế giới, đồng USD tiếp tục đi xuống khi khi giới đầu tư hướng về cuộc họp của các ngân hàng trung ương tại Jackson Hole để có thêm dữ liệu về việc tăng lãi suất.
Hiện chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đang đứng ở mức 108,46 điểm.
Tổng Hợp