Nếu như cách đây khoảng nửa năm, việc người mua, kẻ bán đổ xô về các huyện vùng ven TP.HCM để “săn” bất động sản, chủ yếu là đất nền, diễn ra hàng ngày, thì nay không còn cảnh túm năm tụm ba cầm bản đồ chỉ trỏ về phía các khu đất. Các văn phòng giao dịch bất động sản cũng trở nên đìu hiu, thưa vắng người.
Khi những thông tin “nóng sốt” về quy hoạch qua đi cũng là lúc các nhà đầu tư “ăn theo” sử dụng nhiều vốn vay để đầu tư buộc phải bán tháo, thoát hàng nhanh trong vòng xoáy khó khăn của thị trường. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng có thể “thoát thân” an toàn.
Không ít người đã bỏ cả công ăn việc làm ổn định để chạy theo những “cơn sóng” trên thị trường bất động sản. Và khi cơn sốt đi qua, họ sống trong cảnh ê chề, tiền làm ra dần tiêu hết mà nghề nghiệp chính lại tuột khỏi tầm tay.
Khó có thể phủ nhận nguồn lợi nhuận to lớn mà kinh doanh bất động sản mang lại cho nhiều người. Đặc biệt là trong những cơn sốt đất, các nhà đầu tư chỉ trong một sớm một chiều đã thu về những khoản lãi lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỉ đồng. Chính nguồn lợi nhuận này đã khiến cho số lượng người tham gia vào lĩnh vực bất động sản ngày một lớn. Không chỉ số lượng các nhà đầu tư tăng lên mà những người làm môi giới cũng ngày một đông đảo. Có thời điểm, lướt mạng xã hội, người dùng sẽ “bội thực” bởi đầy rẫy những thông tin mua bán nhà đất được đăng tải liên lục, dày đặc. bất động sản bất ngờ trở thành một món hàng được rao bán nhan nhản, tư vấn online bởi rất nhiều môi giới chuyên và không chuyên.
Dù trong bối cảnh nào, bất động sản vẫn luôn là nơi “trú ngụ” tốt nhất của dòng tiền. Lý do dẫn tới tình trạng bán lỗ không ai mua là do các chủ đất chào bán với giá quá cao và điều này gây rủi ro cho các nhà đầu tư thứ cấp. Hơn nữa, những người liên tục giảm giá bán để “thoát hàng” đa số là những nhà đầu tư mới, ít kinh nghiệm và thường đầu tư theo đám đông nên dễ bị thua lỗ khi thị trường không tích cực như kỳ vọng.
Để giảm thiểu rủi ro, các chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư cần cân nhắc 3 yếu tố: Một là giao dịch thị trường đang chậm lại, hai là giá bán thứ cấp có xu hướng giảm nhẹ, nhất là ở vùng xa và cuối cùng là ngân hàng siết tín dụng, lãi suất vay có xu hướng tăng lên trong thời gian tới.
Thị trường Bình Chánh dù có lợi thế là gần trung tâm TP.HCM hơn nhưng cũng không thoát cảnh “sớm nở tối tàn” sau thông tin nâng cấp địa giới hành chính. Nếu như trước đây loạt dự án triển khai trên địa bàn huyện được nhiều nhà đầu tư săn đón, trong đó đất nền dự án và đất riêng lẻ được tìm mua nhiều nhất, nhiều khu vực mỗi ngày đón cả chục lượt khách tham quan, thì nay đã nguội lạnh.
Hoạt động giao dịch nhà đất tại huyện Hóc Môn cũng chẳng khá hơn. Đất nền khu vực xã Xuân Thới Thượng, dọc tuyến Quốc lộ 22 và thị trấn Hóc Môn trước kia từng được nhiều sàn môi giới săn lùng gắt gao, nay đã vắng bóng người. Một cán bộ địa chính ở huyện Hóc Môn kiêm luôn “nghề tay trái” là môi giới bất động sản cho hay, các giao dịch đất đai tại đây không còn sôi động, chỉ số ít giao dịch thành công qua hợp đồng mua bán có công chứng và cũng giảm mạnh so với hồi đầu năm, mua để đầu tư hay để ở cũng không còn nhiều.
Tại đây, các lô đất đều đã được tách thửa thành từng lô vuông vắn với diện tích từ 70-110 m2, xung quanh là những con đường rộng gần 4m, đã được trải nhựa…, nhưng các ô đất từng có giá tiền tỷ này đều bị bỏ hoang cho cỏ mọc.
Sau khi dập tắt hy vọng của chúng tôi về dự án ở Nhà Bè, vị khách đầu tư bất ngờ hỏi tư vấn xem còn khu vực thị trường nào tiềm năng đáng dầu tư hơn không. Sau một hồi suy nghĩ, vị giám đốc yêu cầu thư ký mang tài liệu ra. Tài liệu này là bản đồ quy hoạch phân lô của một dự án. Vị giám đốc hé lộ, dự án này là để tri ân khách hàng cũ và chỉ “ưu ái” hai chúng tôi vì có thiện chí đầu tư.
Tổng Hợp