Chiếc máy bay của IPP Air Cargo đã được xuất xưởng nhưng vẫn chưa được vận chuyển về Việt Nam
Dự án hàng không của “vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD. Trong đó, 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là huy động từ các nguồn hợp pháp khác.
Vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết trong tháng 8, một chiếc máy bay của IPP Air Cargo đã được xuất xưởng và chuẩn bị được bàn giao. Chiếc máy bay này hiện vẫn chưa được vận chuyển về Việt Nam vì đang chờ AOC từ Cục Hàng không.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn thông tin thêm còn 3 chiếc máy bay khác đang được lắp ráp và dự kiến xuất xưởng vào cuối năm nay.
Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ ngày 14/8, Bộ Quốc phòng cho rằng việc cấp phép cho hãng bay IPP Air Cargo thực hiện dịch vụ vận tải hàng hóa, sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành logistics, phù hợp với mục tiêu phát triển tổng thể và chiến lược chung phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Bộ Quốc phòng đồng ý chủ trương cấp phép cho Công ty cổ phần IPP Air Cargo thực hiện dịch vụ vận tải vận chuyển hàng không, đặc biệt thời điểm thị trường hàng không phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Bộ Công Thương cho rằng hiện nay, nước ta có 5 hãng hàng không đang khai thác vận chuyển hàng hóa kết hợp trên chuyến bay chuyên chở hành khách, chưa có hãng hàng không chuyên chở hàng hóa bằng máy bay chuyên dụng.
Thị trường hàng hóa quốc tế của hàng không Việt Nam đang có 29 hãng hàng không nước ngoài khai thác chuyên chở hàng hóa từ 16 quốc gia, vùng lãnh thổ đến Việt Nam, thị phần hàng hóa quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam giai đoạn 2020 – 2021 chỉ vào khoảng 11% tổng thị phần hàng hóa quốc tế.
Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco, mã chứng khoán: SAS) vừa công bố báo cáo tài chính quý II và 6 tháng đầu năm.
Riêng trong quý II, Sasco ghi nhận doanh thu thuần 296 tỷ đồng, tăng 126% so với quý I và tăng 216% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh nghiệp do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch cho biết tình hình kinh doanh của công ty đang dần khôi phục khi số lượng các chuyến bay nội địa tăng lên, các chuyến bay thương mại quốc tế từng bước được nối lại.
Vì thế, các mảng kinh doanh chủ lực như kinh doanh hàng miễn thuế tăng thu gấp 3 lần, mang về hơn 74 tỷ đồng; dịch vụ phòng chờ tại sân bay tăng thu gấp 3,5 lần, mang về gần 68 tỷ đồng. Sasco còn thu về gần 38 tỷ đồng từ hoạt động tài chính, trong đó chủ yếu đến từ phần cổ tức, lợi nhuận được chia tại các công ty con và công ty liên kết.
Trong kỳ, nhà quản lý và vận hành chuỗi cửa hàng miễn thuế tại sân bay Tân Sơn Nhất tiêu tốn 80 tỷ đồng cho chi phí bán hàng, tăng 153% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp lại giảm 40% xuống còn 26 tỷ đồng, giúp doanh nghiệp tiết giảm được đáng kể chi phí. Với kết quả trên, Sasco báo lãi trước thuế 84 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 14,5 tỷ đồng. Đây cũng là lãi mức cao nhất tính theo quý kể từ năm 2019 của doanh nghiệp.
Tổng Hợp