Theo các chuyên gia bất động sản, khoản mục “của để dành” này càng tăng là tín hiệu cho thấy, khả năng bán hàng của các doanh nghiệp phục hồi khá tốt sau dịch. Đặc biệt là khả năng tăng doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp trong tương lai. Khoản mục “người mua trả tiền trước” của nhiều doanh nghiệp đao teo tóp dần…
Có thể thấy, vốn, tài chính vẫn là bài toán thách thức với các doanh nghiệp sau 2 năm chống chọi với Covid-19. Tới nay, câu chuyện này tiếp tục là bài toán chưa có lời giải đáp dành cho nhiều doanh nghiệp.
Tại hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp diễn ra mới đây, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản, chia sẻ, các ngân hàng thương mại đã tạm dừng cho vay, bao gồm cả người mua nhà dù hồ sơ vay vốn đầy đủ với lý do “kẹt” room. Từ đó dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, bởi đây là “bà đỡ” trong giai đoạn triển khai thực hiện dự án để đến giai đoạn thu hút vốn khách hàng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), đề nghị Ngân hàng Nhà nước thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý, nhưng bảo đảm tăng cường giám sát, không buông lỏng thị trường nhà đất, làm thế nào để tiếp cận được tín dụng một cách thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó, ông Châu cũng đề nghị Bộ Tài chính sớm sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP một cách hợp lý để nắn lại hoạt động phát hành trái phiếu để thị trường minh bạch, an toàn.
Theo dữ liệu từ báo cáo tài chính của các doanh nghiệp công bố, Vingroup đang là doanh nghiệp nắm giữ lượng tiền lớn nhất từ việc người mua trả tiền trước, lên tới trên 62.648 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 2/2022, tăng 68% so với cùng kỳ 2021 và gấp gần 3 lần so với cuối năm 2021.
Kế đến, Novaland cũng là đơn vị có khoản mục “của để dành” khá lớn. Cụ thể, tính đến cuối quý 2/2022, số tiền người mua trả trước của doanh nghiệp ở mức gần 12.600 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi cùng kỳ 2021.
Tính đến cuối quý 2 năm nay, FLC đang nắm giữ gần 7.000 tỷ đồng từ việc người mua trả tiền trước, tăng 37,7% so với cùng kỳ 2021.
Tập đoàn Nam Long cũng nằm trong số ít các doanh nghiệp địa ốc có khoản ‘của để dành’ tăng. Cụ thể, khoản mục khách hàng trả trước của Nam Long tăng gần 1.080 tỷ đồng, lên mức 3.542,9 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2022, tăng khoảng 43%.
Trái ngược với các doanh nghiệp trên, tính đến cuối quý 2/2022 cũng có khá nhiều “ông lớn” địa ốc của “của để dành” sụt giảm mạnh. Nguyên nhân là do những tác động tiêu cực từ việc siết thị trường trái phiếu doanh nghiệp, khiến việc phát hành mới để đảo vốn cũng như bổ sung vốn cho hoạt động đầu tư phát triển dự án gặp khó khăn. Cùng với đó là chủ trương kiểm soát chặt chính sách tiền tệ để kìm chế lạm phát… dẫn đến dòng tiền bán hàng của doanh nghiệp xuống thấp.
Tại TTC Land, khoản mục “người mua trả tiền trước” giảm từ mức 1.355,6 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 986,34 tỷ đồng vào cuối tháng 6, tương đương giảm hơn 27%.
Khoản “người mua trả tiền trước” được nhà đầu tư ví von rằng, đây là “của để dành” của doanh nghiệp, bởi nó sẽ được ghi nhận vào kết quả kinh doanh khi đến kỳ hạch toán.
Tổng Hợp