Nhóm phân tích cho biết cơ cấu huy động đẩy mạnh tăng trưởng (tiền gửi không kỳ hạn) CASA là xu hướng chung trong thời gian tới của các ngân hàng. Bên cạnh đó, việc tiếp tục giảm lãi suất huy động giúp các ngân hàng tiết giảm chi phí vốn trong năm 2022.
Theo BSC, mặc dù có sự ảnh hưởng giảm chất lượng tài sản do ảnh hưởng bởi Nghị định 153 và kết thúc Thông tư 14 về tái cơ cấu nợ bị ảnh hưởng do COVID-19, các ngân hàng vẫn có thể quản lý chất lượng tài sản tốt và giữ ở mức như hiện nay với chính sách kiểm duyệt tín dụng chặt chẽ và tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao.
Một số ngân hàng đã tăng trích lập dự phòng, và cải thiện mạnh tỷ lệ bao phủ nợ xấu. Điều này giúp các ngân hàng có bộ đệm dự phòng lớn, phòng trừ rủi ro do biến động thị trường trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, nợ tái cơ cấu giảm mạnh, và từ 80-90% do các doanh nghiệp và cá nhân phải tái cơ cấu đã trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường. Điều này giúp cho các ngân hàng sẽ không tăng mạnh nợ xấu trong thời gian tới do nghi ngại về suy giảm chất lượng tài sản của các khoản nợ này.
Trong kịch bản bình thường, sẽ có 10% dư nợ tái cơ cấu trở thành nợ xấu, từ đó làm tăng nợ xấu của toàn hệ thống lên mức 0,1%.
Một số ngân hàng có lợi thế về tỷ lệ CASA cao với tỷ lệ cao hơn 30% giúp cho các ngân hàng này có chi phí vốn thấp, từ đó giúp gia tăng hiệu quả về cho vay.
Nhiều ngân hàng giảm phí giao dịch nhằm tăng thị phần CASA trong năm 2022. Do đó BSC cho rằng việc cạnh tranh về thị phần CASA sẽ tương đối khốc liệt khi các ông lớn đồng loạt giảm phí dịch vụ.
Ngoài ra, BSC giữ nguyên mức NIM trong năm 2022 là 3,7% do phục hồi của nền kinh tế giúp tăng trưởng tín dụng cao, đặc biệt tập trung vào nhóm SME và cá nhân với NIM cao; Lãi suất cho vay phục hồi sau thời gian hỗ trợ (ước tính hết năm 2021) và tăng cơ cấu CASA trong năm 2022 giúp giảm chi phí vốn.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ lãi suất, đặc biệt là các ngân hàng quốc doanh, nhằm giúp nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ và có thể tăng lãi suất đầu ra bù đắp một phần lãi suất đầu vào tăng lên.
Về rủi ro liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), công ty chứng khoán cho biết tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ trong các doanh nghiệp niêm yết ở mức thấp, và chỉ tập trung vào 4 ngân hàng TMCP là MB, Techcombank, TPBank và VPBank.
“Có một vài ngân hàng có định hướng về việc đầu tư TPDN của các doanh nghiệp lớn do lãi suất cao hơn các khoản vay thông thường và danh mục trải dài các ngành giúp giảm thiểu rủi ro,” báo cáo viết.
Hiện nay, Nghị định 153 đang ảnh hưởng đến dòng tiền của nhóm bất động sản do tính chất sử dụng đòn bẩy cao cùng việc phát hành nhiều TPDN nhằm đảm bảo nguồn trả nợ và thanh khoản. Tuy nhiên, nhóm phân tích cho rằng với danh mục đầu tư trải dài nhiều ngành cùng việc tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu cho vay, tác động đến ngành ngân hàng sẽ không quá lớn.
Tổng Hợp