Hai năm qua, Ngân hàng nhà nước đã có những chính sách rất thận trọng khi dịch bệnh bùng phát, hoạt động của các doanh nghiệp không có gì nổi trội , nhưng thị trường chứng khoán đi lên mạnh mẽ, vì nó phụ thuộc vào nguồn tiền được bơm mạnh. Đến khi nguồn tiền bị rút ra cổ phiếu lại trở về thị giá trước khi thị trường tăng trưởng với dấu hiệu mất tiền được bộc lộ.
Tính từ đáy ngắn hạn 1.150 điểm hồi tháng 6/2022, chỉ sau chưa đầy 2 tháng, VN-Index đã hồi phục hơn 100 điểm. Ngoài động lực chính từ nhóm vốn hoá lớn, thì các nhóm ngành cũng thay nhau “chạy”, thị trường giao dịch sôi động trở lại với thanh khoản tăng nhanh. Nhiều cổ phiếu tăng trên 20% chỉ trong thời gian ngắn tính bằng tuần, khiến nhà đầu tư lo ngại, còn hay không cơ hội trong ngắn hạn.
Theo dõi kết quả kinh doanh quý 2/2022, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm khách hàng cá nhân (Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam) kỳ vọng, nhóm ngân hàng sẽ quay lại dẫn dắt thị trường. Trong khi đó, câu chuyện của ngành bất động sản và chứng khoán còn khá rủi ro. “Như nhóm chứng khoán, kết quả kinh doanh phụ thuộc nhiều vào diễn biến thị trường. Nếu thị trường vận động tốt, thanh khoản cao, kết quả kinh doanh sắp tới của nhóm này có thể khởi sắc hơn so với 6 tháng đầu năm”, ông Minh nói.
Ông Trần Lê Minh, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, CTCP Quản lý Quỹ Dragon Capital cho rằng, hiện tại là thời điểm để nhà đầu tư điều chỉnh kỳ vọng lợi nhuận. Nếu muốn đi dài, không nên nhìn vào lợi nhuận của năm 2020-2021 vì đó là những năm biến động lớn. Trong lịch sử TTCK chỉ có một đến hai lần giống như vậy và sẽ không diễn ra thường xuyên. Bình quân 10 năm qua, lợi nhuận của thị trường chứng khoán được thể hiện qua chỉ số VN-Index khoảng 12 – 14%/năm, nên đây là lúc chúng ta kỳ vọng đầu tư được khoảng 14% một năm đã là rất tốt.
Cơ sở cho dự báo khả quan của nhóm ngân hàng, là kết quả kinh doanh vẫn vượt trội so với mặt bằng chung. Thống kê từ FiinTrade cho thấy, tính chung cho 23/27 ngân hàng (đại diện 97% vốn hóa ngành), lợi nhuận sau thuế quý 2/2022 nhóm này tăng mạnh tăng 33,4% so với cùng kỳ. Ngân hàng cũng là nhóm vốn hoá lớn nhất thị trường.
Nhóm ngành tiếp theo mà ông Minh đánh giá có thể làm nên chuyện trong thời gian tới, là sản xuất thực phẩm, có yếu tố phòng thủ cao. “Câu chuyện thứ 2 là sức mua hồi phục sau đại dịch. Việt Nam nằm trên chuỗi cung ứng, hưởng lợi hơn so với các nước phụ thuộc vào nhập khẩu. Lương thực, thực phẩm cũng là nhóm vốn hoá lớn, với những cái tên như MSN, VNM, đủ tác động đến chỉ số”, ông Minh phân tích.
Cổ phiếu điện, vừa phòng thủ, vừa tăng trưởng trong năm hồi phục kinh tế. Ngoài ra, nhóm điện cũng được hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển bất động sản khu công nghiệp, Nhóm điện còn hưởng là FDI giải ngân tăng mạnh. Theo ông Minh, nhóm hoá chất, dầu khí còn cơ sở tăng trưởng, giá nguyên nhiên liệu cao do ảnh hưởng đứt gãy chuỗi cung ứng. Nhóm du lịch và giải trí, dù kết quả kinh doanh năm 2022 có thể tốt, nhưng lỗ luỹ kế thời gian qua chưa thể cải thiện.
Tại hội thảo do Cộng đồng Cố vấn Tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức, TS. Quách Mạnh Hào, Giảng viên ĐH Lincoln – Vương quốc Anh phân tích, thị trường đang đối mặt với rủi ro lớn về việc nguồn tiền rút ra và khả năng thắt chặt tiền tệ là hiện hữu. “Về triển vọng của thị trường, theo tôi chúng ta đang đối mặt với rủi ro lớn liên quan đến vấn đề thắt chặt chính sách tiền tệ. Quy mô thắt chặt như thế nào còn rất khó để phán đoán, tùy thuộc vào diễn biến của lạm phát. Nhưng có một điều là những nhà hoạch định chính sách thường đi trước đón đầu, đơn cử như Chính phủ luôn tìm cách để giảm giá xăng, giá thịt heo,…”, ông Hào chia sẻ.
Dự báo chỉ số VN-Index có thể loanh quanh ở mốc 1.200 điểm, quan điểm ngắn hạn, ông Hào khuyến nghị nhà đầu tư nên chú ý đến nguồn tiền, hay xã hội đang quan tâm đến vấn đề gì, đặc biệt là những cổ phiếu có “câu chuyện riêng”.
Tổng Hợp