Vì phụ thuộc vào nguồn tiền từ tín dụng ngân hàng nên nhóm nhà đầu tư lướt sóng vài tháng trở lại đây khá im ắng. Nếu chính sách tín dụng được nới thì người đầu tư bất động sản có thể “sống” trở lại sau khoảng thời gian sống thấp thỏm.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, dẫn câu chuyện siết tín dụng bất động sản của Trung Quốc cách đây hai năm. Theo PGS Thịnh, chưa đầy một năm sau khi triển khai siết vốn tín dụng, thị trường bắt đầu thiếu hụt nguồn cung, chủ đầu tư không có tiền chi trả các khoản chi phí, khiến cho hàng loạt dự án đang triển khai bị đình trệ, thị trường bị tê liệt.
Vị chuyên gia nói: “Chính phủ Trung Quốc đã phải thay đổi chính sách, khuyến khích một số địa phương có thể mở cửa trở lại tín dụng cho vay bất động sản nên thị trường đã dần ấm lên. Vì thế, nếu Việt Nam tiếp tục siết tín dụng bất động sản, thị trường sẽ có một số tác động không tốt, hàng loạt dự án dừng lại. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nguồn cung sản phẩm ra thị trường mà còn ảnh hưởng đến việc làm xã hội, cũng như tăng trưởng kinh tế”.
Chia sẻ với chúng tôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM Lê Hoàng Châu cho rằng cần phải có giải pháp để điều tiết hiệu quả công cụ tài chính – tín dụng, không kiểm soát một cách bất hợp lý mà cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích, tránh rủi ro đối với thị trường.
Ngân hàng Nhà nước nên cho phép ngân hàng thương mại được cho khách hàng vay để chứng minh khả năng tài chính trong quan hệ giao dịch dân sự với bên thứ ba hoặc vay để góp vốn, hợp tác đầu tư, phục vụ đời sống (xây nhà, sửa chữa nhà, mua nhà trong trường hợp khách hàng có tài sản bảo đảm khoản vay…).
Cách đây một đến hai năm, thị trường bất động sản trở nên “sốt”. Cơn sốt này không chỉ diễn ra ở những không gian đô thị mà còn lan về những vùng quê, cách trung tâm thành phố cả 400-500km. Giá đất được tạo sóng bằng các chiêu trò mà chúng tôi đã đề cập nhiều lần.
Trong đó có hành vi trả giá đất cho một vài hộ trong xóm thật cao, sau đó tạo thành làn sóng giá giả tạo. Làn sóng ấy lan ra các vùng lân cận. Hoặc nhóm câu kéo giá sẽ xuyên tạc hoặc đưa thông tin không chính xác về quy hoạch gốc của cơ quan hữu quan để câu dẫn dư luận. Những đồn đoán đó cũng dẫn đến một bộ phận chủ đất bị “ảo tưởng” về giá, họ cho rằng bán giá cao mới lời. Còn bán giá như ngày trước là lỗ, là sai lầm.
Tuy nhiên, sau một số kiểm soát về vấn đề tách thửa của chính quyền địa phương, cùng đó, việc tín dụng trong bất động sản bị nghẽn đã khiến những câu chuyện sốt đất có các diễn biến mới. Bây giờ, về quê, hàng xóm ít nói về việc nhà người này, người kia vừa bán đất tiền tỷ, hoặc không còn những câu chuyện về những người bỗng sau một đêm thành tỷ phú nữa.
Vùng quê cơ bản trở lại nhịp độ về giá đất bình thường nhưng dĩ nhiên nó vẫn chực chờ để tiếp tục bão giá nếu các cơ quan công quyền có động thái mới về giấy phép sử dụng đất và tín dụng cho bất động sản.
Tổng Hợp