Trong văn bản trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội về những bất cập trong công tác quản lý nhà nước trên thị trường tài chính thời gian qua và các giải pháp xử lý, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trong giai đoạn 2016-2021, Bộ Tài chính chuyển cơ quan điều tra 34 hồ sơ vụ việc bất thường trên thị trường chứng khoán và thanh kiểm tra 14 công ty chứng khoán…
Thị trường vốn đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trên 28,5%/năm; thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2019-2021 trên 30%/năm, từng bước tạo thế cân bằng với tín dụng ngân hàng.
Liên quan đến việc chấn chỉnh thị trường, theo bộ này, đối với thị trường cổ phiếu, bộ đã thực hiện kiểm tra, huỷ giao dịch đối với 74,8 triệu cổ phiếu, phong toả tài khoản, xử lý hành chính trường hợp ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch tập đoàn FLC giao dịch không đúng quy định. Đã chủ động chuyển cơ quan điều tra hồ sơ của công ty Louis Holding và 34 vụ việc của các công ty khác có vi phạm. Riêng thị trường cổ phiếu, Bộ Tài chính đã đề nghị khởi tố đối với 6 vụ việc.
Đối với trái phiếu doanh nghiệp, trong năm 2021, Bộ Tài chính đã kiểm tra tại 9 công ty chứng khoán, 2 doanh nghiệp phát hành, ban hành 3 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, chuyển cơ quan công an 1 vụ việc.
Trong năm 2022, Bộ Tài chính đã phối hợp với cơ quan điều tra trong vụ việc của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, tổ chức kiểm tra tại 5 công ty chứng khoán liên quan đến vụ việc này. Từ nay đến hết năm sẽ còn kiểm tra nhiều doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ.
Bộ Tài chính cho biết sẽ tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý thị trường như Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán. Đồng thời, tăng cường quản lý giám sát bao gồm cả việc giám sát liên thông với Ngân hàng Nhà nước đối với hoạt động phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng.
Thời gian gần đây, Bộ Tài chính liên tục đưa ra cảnh báo về những hiện tượng bất thường trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Các yếu tố bất thường của doanh nghiệp phát hành cần theo sát như: để nhiều công ty con trong cùng hệ sinh thái của doanh nghiệp phát hành; phát hành với lãi suất cao, có dư nợ lớn so với vốn chủ sở hữu…
Cảnh báo tới nhà đầu tư, Bộ Tài chính nêu rõ, trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hiện nay, phần lớn tài sản đảm bảo là bất động sản và các chương trình, dự án, chứng khoán hoặc kết hợp các loại tài sản (bất động sản, chứng khoán). Tài sản đảm bảo được doanh nghiệp phát hành nêu tại bản công bố thông tin, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về điều kiện của tài sản đảm bảo, chất lượng, giá trị của tài sản đảm bảo và cam kết về bảo đảm của doanh nghiệp phát hành.
Tổng Hợp