Trong thông báo mới phát đi về tình hình sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm, Bộ Công thương cho biết tình hình nguồn cung xăng dầu, cam kết của hai nhà máy lọc dầu lớn trong nước là Nghi Sơn và Bình Sơn trong 6 tháng cuối năm 2022.
Về biến động nguồn cung xăng dầu có thể xảy ra từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương cam kết trong trường hợp có sự thay đổi, biến động so với kế hoạch, cơ quan này sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, các thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu để luôn bảo đảm cung cấp đủ xăng dầu cho thị trường.
Ngoài ra, trong bối cảnh giá xăng dầu vẫn tiếp tục có diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đã kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, đề xuất giảm thêm một số loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu: như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng để giảm giá mặt hàng xăng dầu trong nước, hỗ trợ cho đời sống của nhân dân, doanh nghiệp, góp phần bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát và đảm bảo mục tiêu thực hiện chương trình phục hồi kinh tế – xã hội sau đại dịch của Chính phủ.
Bộ Công Thương cho biết, hiện hai nhà máy đều đang vận hành ở công suất tối đa, Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn dự kiến sẽ vận hành ở mức công suất 105% trong 6 tháng cuối năm 2022 để cung ứng xăng dầu cho thị trường.
Nguồn tin của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho biết, Việt Nam đã nhập tổng cộng 10,75 triệu tấn dầu thô và xăng dầu các loại, trong đó dầu thô là 5,5 triệu tấn, kim ngạch 3,6 tỷ USD, xăng dầu các loại là 5,25 triệu tấn, kim ngạch 5,4 tỷ USD.
Hiện dầu thô và xăng dầu các loại của Việt Nam đều có lượng nhập tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2021, trong đó sản lượng dầu thô nhập tăng tương ứng 266%, xăng dầu thành phẩm tăng nhập lên đến 320%.
Riêng đối với xăng dầu thành phẩm nhập khẩu tăng đột biến về Việt Nam trong quý II/2022 đã giúp giải toả cơn khát xăng dầu trong nước, chặn đà thiếu hụt của nguồn cung trong nước vốn dựa vào chủ yếu hai nhà máy Dung Quất và Nghi Sơn.
Trong khi đó, nguồn dầu thô nhập khẩu về tăng mạnh chủ yếu phục vụ cho hai nhà máy lọc dầu nói trên để ổn định nguồn nguyên liệu từ nay đến cuối năm.
Theo Bộ Công Thương, trong Quý II/2022, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đã đẩy mạnh việc nhập khẩu và nỗ lực cung ứng xăng dầu để duy trì nguồn cung cho thị trường nên cơ bản nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước luôn được đảm bảo, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt hàng trong hệ thống phân phối của thương nhân và tại thị trường nội địa.
Về cam kết của hai ông lớn lọc dầu trong nước, Bộ Công Thương cho biết: Theo báo cáo của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, kế hoạch sản xuất xăng dầu của 02 Nhà máy lọc dầu trong nước gồm Nghi Sơn và Bình Sơn trong 6 tháng cuối năm là: Quý III dự kiến sản xuất 3,9 triệu m3 (chiếm 72% tổng nhu cầu) và Quý IV dự kiến sản xuất 4,4 triệu m3 (chiếm 80% tổng nhu cầu).
“Về cơ bản lượng sản xuất trên theo kế hoạch đã đưa ra để cân đối cung cầu từ đầu năm 2022 và đã được phân giao thực hiện cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước để bảo đảm nguồn cung cho thị trường”, Bộ Công Thương thông tin.
Liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương vừa quyết định điều chỉnh giảm 444 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92, xuống còn 24.629 đồng/lít; giảm 462 đồng/lít đối với xăng RON 95, xuống còn 25.608 đồng/lít.
Đây là lần giảm thứ tư liên tiếp của giá xăng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn kỳ vọng mức giảm sâu hơn, đặc biệt trong bối cảnh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng đã giảm kịch khung xuống còn 1.000 đồng/lít.
Theo liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 21/7 đến ngày 1/8) tiếp tục có những diễn biến trái chiều.
Đầu kỳ, sau khi Mỹ công bố số liệu GDP giảm, tạo nên sự lo ngại về suy thoái kinh tế của Mỹ; EU nới lỏng lệnh trừng phạt Liên bang Nga (thông qua việc cho phép 2 doanh nghiệp Nhà nước của Nga được vận chuyển dầu vào nước thứ ba); Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất, sản lượng khai thác của một số nước Trung Đông tăng nhẹ đã giúp giá xăng dầu trên thị trường thế giới giảm.
Đến những ngày tiếp theo, khi một số nhà phân tích cho rằng chưa thể khẳng định Mỹ rơi vào suy thoái kinh tế khi lao động, việc làm của Mỹ vẫn tăng, thị trường chứng khoán hồi phục, lo ngại về nguồn cung dầu thấp khi nhiều nước trong khối OPEC khó tăng công suất theo cam kết… đã đẩy giá xăng dầu tăng.
Tổng Hợp