Thời gian gần đây, sự thiếu ổn định của thị trường bất động sản khi mặt bằng giá nhà ở liên tục tăng, trong khi thanh khoản sụt giảm mạnh trở thành chủ đề nóng tại nhiều diễn đàn, hội thảo và dường như được đẩy lên cao trào sau những thông tin liên quan tới thị trường bất động sản Trung Quốc. Siết tín dụng sẽ chỉ hạn chế nhà đầu tư vốn mỏng muốn ‘lướt sóng’ kiếm lời nhanh, chứ không giải quyết được tình trạng đầu cơ khi người có tài chính dư dả vẫn sẵn sàng xuống tiền mua bất động sản giá cao rồi để đó…
Cụ thể, chính phủ nước này mới đây buộc phải yêu cầu các ngân hàng cung cấp vốn vay cho các dự án bất động sản đủ điều kiện trong bối cảnh người mua nhà đồng loạt ngừng thanh toán vay thế chấp vì dự án chậm tiến độ do khủng hoảng từ chiến dịch “bàn tay sắt” đối với thị trường bất động sản.
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cho biết, cách đây 4 năm, mỗi lao động phổ thông Việt Nam cần tối thiểu 35 năm tích lũy để mua được nhà (con số tương đối cao vào thời điểm đó) thì nay tăng lên 57 năm. Con số này cao hơn nhiều so với mức ước định để đánh giá một thị trường bất động sản mà Quỹ Tiền tệ quốc (IMF) cho rằng bắt đầu xuất hiện “bong bóng”, thậm chí còn cao hơn quốc gia đang được đánh giá có hiện tượng “bong bóng” nhà đất là Trung Quốc ở mức 37 năm.
Tất nhiên, các số liệu đưa ra là để tham khảo, nhưng không vì thế mà chủ quan trước thực trạng mặt bằng giá bất động sản nhà ở đang leo thang, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn cho thị trường, trong đó có nguy cơ “bong bóng” giá, xa hơn là khả năng gây suy thoái kinh tế, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, cụ thể ở đây là chính sách phát triển nhà ở giá thấp của Chính phủ.
Theo ông Bùi Xuân Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), bất động sản là một ngành kinh tế quan trọng, nếu đà tăng trưởng bị chặn lại sẽ tác động tiêu cực tới nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế khác.
“Cơ quan quản lý cần sớm đưa ra những chính sách đặc thù để vừa điều tiết, vừa thanh lọc thị trường, kịp thời khơi thông nguồn vốn, đặc biệt với những chủ đầu tư uy tín, những dự án chất lượng, đảm bảo tiến độ, tính thanh khoản tốt, mang lại nhiều giá trị cho xã hội”, ông Dũng nhấn mạnh.
Mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt cảnh báo việc “hãm phanh” đột ngột hoạt động cấp tín dụng cho thị trường bất động sản, vì rủi ro không chỉ nằm ở con số thống kê nợ xấu, mà còn ở tỷ lệ thế chấp bằng bất động sản trong hệ thống ngân hàng hiện rất lớn, lên đến 60-70% giá trị tài sản đảm bảo, nếu thị trường đóng băng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng nói riêng, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô nói chung.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) còn đưa ra lưu ý, khi giao dịch giảm do tác động từ siết tín dụng hay các giải pháp “cứng” thì lượng tồn kho neo trên giá cao tăng mạnh, khiến nhiều doanh nghiệp đối diện nguy cơ “chết trên đống tài sản”.
Trước đó, từ năm 2017, trước lo ngại “bong bóng” bất động sản bung vỡ, Chính phủ Trung Quốc thực hiện đồng loạt các giải pháp “cứng” như đánh thuế rất cao người mua căn nhà thứ hai, thứ ba hay các thắt chặt các tiêu chuẩn mua nhà với từng đối tượng, kế hoạch “3 lằn ranh đỏ” đối với các chủ đầu tư dự án…, đẩy thị trường bất động sản nước này vào tỉnh cảnh khó khăn trầm trọng, doanh nghiệp địa ốc lao đao, thậm chí nhiều “ông lớn” phải phá sản như trường hợp của China Evergrande.
Tới giữa tháng 7/2022, khách hàng mua nhà của 230 dự án bất động sản trên 86 tỉnh, thành phố khắp Trung Quốc đã từ chối đóng tiền trước tiến độ cho những dự án chưa hoàn thành, gây nguy cơ khủng hoảng lan rộng.
Tổng Hợp