Từ tháng 4 đến nay, việc khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng đã ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của doanh nghiệp địa ốc. Tín dụng là bệ đỡ của nền kinh tế, là mạch máu của thị trường bất động sản. Không tiếp cận được nguồn vốn này, doanh nghiệp gần như ngộp thở.
Việc các doanh nghiệp địa ốc phát hành trái phiếu trở lại mới chỉ từ hồi tháng 5, tháng 6 (sau 4 tháng đầu năm im hơi lặng tiếng).
Cụ thể, số liệu thống kê của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, từ đầu năm đến cuối tháng 6, các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành tổng cộng 152.385 tỷ đồng trái phiếu, trong đó, hơn 94% là phát hành riêng lẻ.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), Luật Đất đai quy định vốn sở hữu của doanh nghiệp địa ốc chỉ chiếm 15-20%. Còn 80-85% được huy động từ các kênh khác, gồm vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu, vốn huy động từ khách hàng và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Theo ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) thì khẳng định thêm, không có chuyện ngân hàng nhà nước dừng hay siết dòng vốn, mà chỉ kiểm soát lại nguồn vốn tín dụng dành cho bất động sản.
“Việc kiểm soát này là để đảm bảo đúng đối tượng và an toàn, chứ không có câu chuyện dừng hay siết vốn cho bất động sản”, ông Dũng cho hay.
Trong khi đó, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, đánh giá tình trạng giá nhà cao, thanh khoản hạn chế, dòng tiền tắc nghẽn có thể tiếp diễn trong những quý còn lại của năm. Tuy nhiên, ông Khương cho rằng sự tắc nghẽn dòng tiền khi khó tiếp cận vốn vay từ tháng 4 đến nay chỉ là một trong những khó khăn mới xuất hiện.
“Áp lực lớn nhất mà doanh nghiệp địa ốc đau đầu chính là vướng mắc pháp lý kéo dài nhiều năm chưa được tháo gỡ. Đây là yếu tố chủ chốt làm đội chi phí đầu vào, tăng chi phí tài chính, đẩy giá thành đầu ra ngày càng cao ngất ngưởng.
Vì vậy, cần có giải pháp đồng bộ từ khơi thông vốn đến khơi thông pháp lý mới có thể tháo gỡ cục diện khó khăn hiện nay cho thị trường địa ốc”, ông Khương nhận định.
“Năm nay khó khăn còn chồng chất hơn năm ngoái (có dịch Covid-19), vì thị trường vừa vướng pháp lý, vừa không khơi thông được dòng vốn. Đáng lo ngại hơn, hàng tồn kho hiện nay bán cũng chậm do room tín dụng cho khách hàng vay mua nhà bị hạn chế.
Hiện tất cả dự án đều bị “đứng” pháp lý, không đủ điều kiện bán hàng, viễn cảnh tắc nghẽn dòng tiền, áp lực thiếu vốn đang đè nặng thị trường”, Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (HoSE: QCG).
Báo cáo tài chính vừa công bố của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản HUDLAND (HNX: HLD), cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, HLD ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 40,4 tỷ đồng so với cùng kỳ (dương 12,8 tỷ đồng).
Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 5,6 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 26,1 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.
Xét về nợ vay, tính tới cuối quý II, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 54,9% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 22,08 tỷ đồng lên 62,3 tỷ đồng và chiếm 10,9% tổng nguồn vốn.
Tại Công ty CP Địa ốc First Real (HoSE: FIR), trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp này ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm 96,18 tỷ đồng (cùng kỳ âm 8,91 tỷ đồng), nguyên nhân chính do công ty tăng tồn kho và các khoản phải thu ngắn hạn.
Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 7,87 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 107,3 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ. Như vậy, có thể thấy, trong kỳ, công ty đã tăng vay nợ để bù đắp dòng tiền kinh doanh chính âm. Tuy nhiên, chuyện âm dòng tiền là chuyện khá “bình thường” với FIR, bởi từ năm 2016 tới năm 2021, Công ty có 4/6 năm dòng tiền kinh doanh chính âm.
Cụ thể, dòng tiền kinh doanh chính năm 2016 âm 17,7 tỷ đồng, năm 2017 âm 19,7 tỷ đồng, năm 2018 âm 77 tỷ đồng, năm 2019 dương 116,8 tỷ đồng, năm 2020 dương 16,4 tỷ đồng và năm 2021 âm 46,8 tỷ đồng.
Tổng Hợp